Chuyển dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sang đầu tư công
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định sẽ thực hiện theo chỉ đạo và chủ trương của Chính phủ về việc chuyển đổi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận trao đổi về một số kiến nghị của đơn vị này đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Mặc dù ghi nhận những kiến nghị của CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, nhưng Bộ GTVT cho biết trong giai đoạn hiện nay bộ sẽ thực hiện dự án này theo chỉ đạo và chủ trương chung của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, hiện tại Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì báo cáo Ban cán sự Chính phủ để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chuyển đổi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công.
Trường hợp, dự án này chuyển sang đầu tư công, trách nhiệm quản lý đầu tư vẫn thuộc về Bộ GTVT nếu chiểu theo các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Giao thông đường bộ.
Bộ GTVT cho rằng đề xuất của CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận về việc ghép dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ vào dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, sẽ gặp phải nhiều tồn tại, vướng mắc. Theo đó, đây là 2 dự án khác nhau được thực hiện bởi 2 cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau. Chưa kể dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc phạm vi tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, không thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang, nên sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý, khó khăn khi thực hiện, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, việc ghép dự án chưa có nhà đầu tư vào dự án đang triển khai thực hiện cũng không phù hợp với những vấn đề đã được nêu tại Nghị quyết 437NQ–UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức hợp đồng.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có ý kiến kết luận về một số dự án BOT, trong đó khẳng định việc bổ sung dự án, bổ sung hạng mục ngoài phạm vi dự án BOT ký hợp đồng là chưa phù hợp quy định.
Trước đó, lãnh đạo doanh nghiệp dự án đang triển dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, nên được kết nối vào dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang, sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, phát huy việc phối hợp điều hành tốt của tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư như trong thời gian qua.
Với nguồn nhân lực, thiết bị sẵn có, sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương, CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận khẳng định sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án còn 24 tháng so với trình tự thông thường 41 tháng, hoàn thành trong năm 2022, góp phần quan trọng trong việc tạo ra động lực, nguồn lực mới cho sự phát triển nhanh hơn của vùng ĐBSCL.
Tuyến đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam kết nối TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Trên trục cao tốc này, đoạn TPHCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác; cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai bằng nguồn vốn nhà nước; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang đầu tư theo hình thức PPP. Do vậy, việc sớm triển khai đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực vận tải trên trục cao tốc quan trọng này.
Được biết, tại Thông báo số 126/TB- VPCP ngày 25/3/2020 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng đã đã giao Bộ KH-ĐT đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (8 dự án) và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công...