Chuyên gia nói gì về giảm phí và lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19?
Bám sát tình hình dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách tài khoá, đặc biệt về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trao đổi với Tạp chí điện tử Tài chính, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính đều đánh giá cao các chính sách này.
PGS., TS. Nguyễn Anh Phong, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh:
Giảm phí, lệ phí là cần thiết bên cạnh giãn thuế
Cùng với gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chính sách giãn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, trong tháng 5 và tháng 6/2020 Bộ Tài chính ban hành 17 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí đã góp phần tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất và tiêu dùng, đóng góp tích cực trong việc phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dịch Covid-19 có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hầu hết mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, tuy nhiên các ngành, lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất bao gồm du lịch, vận tải - hàng không, nông nghiệp, và xuất nhập khẩu. Trong 17 thông tư điều chỉnh giảm phí, lệ phí nêu trên có giảm phí, lệ phí thuộc các ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch.
Hiện dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, do đó Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát kiến nghị miễn, giảm thuế, phí và lệ phí mà trước hết là trên các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch. Như vậy, sẽ càng tiếp tục khuyến khích người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chống suy thoái góp phần phát triển kinh tế thời trong và sau dịch.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý:
Đánh giá cao sự trách nhiệm, chủ động của Bộ Tài chính trong giảm mức thu phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng vì Covid-19
Tôi đánh giá cao những nỗ lực, đặc biệt là sự trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc khẩn trương, kịp thời lấy ý kiến của các Bộ, ngành để xây dựng dự thảo các Thông tư quy định giảm phí, lệ phí; gửi xin ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời ban hành, có hiệu lực ngay nhằm nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Được biết, đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 17 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí. Qua đó, điều chỉnh giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí với tổng số tiền giảm lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Việc giảm phí, lệ phí là hành động kịp thời của Bộ Tài chính nhằm giảm thiểu khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh, thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng hành, kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế. Với nỗ lực này, tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp và người dân hết sức đồng tình, phấn khởi vì đã nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, Bộ Tài chính và bộ ngành liên quan.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại, từ đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và cho tăng trưởng kinh tế. Việc điều chỉnh miễn, giảm phí, lệ phí trong nhiều lĩnh vực của Bộ Tài chính thời gian qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Chuyên gia kinh tế Vũ Hồng Thanh (BIDV):
Bộ Tài chính đã đi đầu thực hiện các nhóm giải pháp then chốt của Chính phủ
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng và ban hành 17 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí. Qua đó, giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí với tổng số tiền giảm lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Tôi cho rằng, Bộ Tài chính đã thể hiện sự tích cực, chủ động nhanh chóng trong việc đi đầu thực hiện các nhóm giải pháp then chốt của Chính phủ đó là: “Xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là cần tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Đặc biệt, cần rà soát, nhanh chóng ban hành các thông tư quy định nhằm giảm thuế, phí và lệ phí nhằm hỗ trợ hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.
17 thông tư điều chỉnh giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí đã bao gồm các lĩnh vực phát sinh nhiều giấy tờ thủ tục nhằm vực dậy các ngành này sau khi chịu ảnh hưởng nặng nền của dịch Covid-19 bao gồm: kinh doanh hàng hóa dịch vụ, hàng không, du lịch, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán, y tế…
Trong thời gian tới, để các chính sách của Chính phủ ngày càng sát với thực tiễn hơn, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3 - 4%, kiểm soát lạm phát dưới 4% như thống nhất tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tôi cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Tài chính để có thêm các các chính sách miễn giảm thuế, phí và lệ phí nhiều hơn nữa đặc biệt là cho khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu, bởi hiện nền kinh tế của chúng ta đang dựa đáng kể vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.