Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu
Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" nêu rõ huy động và sử dụng mọi nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực xã hội và nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
Với mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững, Quyết định số 689/QĐ-TTg nêu rõ các nguồn lực gồm: (i) nguồn từ trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; (ii) nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền; (iii) quỹ dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm tiền gửi; (iv) nguồn lực từ ngân sách nhà nước; (v) các nguồn lực hợp pháp khác.
Trong tổ chức thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan triển khai thực hiện Đề án và ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo thẩm quyền, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì bảo đảm triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN)…
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, NHNN và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định về tăng vốn cho các TCTD có vốn nhà nước; Phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án tăng vốn điều lệ của các NHTMNN.
Bộ Tài chính khẩn trương tham mưu cho Chính phủ bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các NHTMNN, nhất là đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Chủ trì, phối hợp với NHNN rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về chế độ tài chính, chế độ kế toán để các TCTD áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS); Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá khoản nợ, đảm bảo khách quan trong việc thẩm định giá của các khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu).
Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về phát triển thị trường mua bán nợ và quản lý giám sát thị trường mua bán nợ để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu cũng như cơ chế khuyến khích các bên tham gia vào thị trường mua bán nợ. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động của DATC để tăng cường vai trò, hiệu quả xử lý nợ xấu; Nghiên cứu, triển khai hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, từng bước đưa thị trường vốn trở thành một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng…
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp được giao tiếp tục chủ trì rà soát Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, phối hợp với VAMC và các TCTD thi hành bản án, quyết định có hiệu lực thi hành; Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, trong đó đề xuất hoàn thiện quy định về việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng không áp dụng chung quy định về điều kiện đối với dự án được chuyển nhượng trong trường hợp xử lý TSBĐ; Nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý cho việc chuyển nhượng dự án trong trường hợp xử lý TSBĐ là dự án bất động sản để thúc đẩy xử lý tài sản, đặc biệt là xử lý nợ xấu của TCTD, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy định về điều kiện thế chấp dự án của Luật Nhà ở năm 2014…
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao chỉ đạo, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các đơn vị thành viên thuộc đối tượng quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý các khoản nợ, đặc biệt là các khoản nợ xấu thuộc nhóm dự án lớn nhằm giảm áp lực tài chính cho các TCTD; Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc đối tượng quản lý của Úy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu tại TCTD nhằm tuân thủ quy định của pháp luật.
Các TCTD xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD; Bảo đảm ổn định hoạt động và an toàn tài sản của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của nhân dân trong quá trình thực hiện cơ cấu lại…