Cơ cấu và chất lượng lợi nhuận của các ngân hàng nhiều biến động
Theo thống kê của FiinGroup, trong quý I/ 2020, lợi nhuận sau thuế của 18 ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng 3,4%. Tuy nhiên, mọi chỉ số trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng đều dừng ở mức tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng giảm mạnh so với cuối năm 2019. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, buôn bán ngoại tệ… tạo nên nhiều “đột phá”.
Trong báo cáo Tác động của Covid-19: Đánh giá từ góc nhìn phân tích dữ liệu tài chính doanh nghiệp của FiinGroup mới đây đã thống kê cơ cấu thu nhập của các ngân hàng hiện nay đã có sự chuyển dịch nhất định so với năm 2019.
Theo đó, thu nhập lãi thuần của 18 ngân hàng trong những tháng đầu năm 2020 đang chiếm 78% tổng thu nhập hoạt động, tăng 13,6% so với cùng kỳ nhưng giảm với cuối năm 2019. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ và các hoạt động còn lại chiếm lần lượt 9,8% và 12,2% cũng có nhiều biến động với các quý của năm trước.
Đối với lãi từ phí hoạt động dịch vụ dù tăng so với cùng kỳ nhưng giảm tới 21,6% so với quý liền kề. Ngoài vì lý do các ngân hàng cắt giảm phí để chia sẻ khó khăn do dịch Covid-19, các chuyên gia nhận định có thể thấy đây là xu hướng hai năm trở lại đây.
Hiện có hai ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào xu hướng này là Techcombank và SacomBank khi có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng rất cao trong quý IV/2019 và giảm mạnh trong quý I-2020.
Ngoài ra, lãi từ các hoạt động kinh doanh chứng khoán, buôn bán ngoại tệ… có nhiều chuyển biến tích cực. So thời điểm này năm 2019, lãi từ các hoạt động này đã đạt mức tăng trưởng cao. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng ngoạn mục như Kienlongbank (1180,9%), VietBank (446,4%), VPBank (175%)…
Lý giải sự đột biến này, các chuyên gia tài chính- ngân hàng cho biết: Cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá... Trong khi đó, trái phiếu và tín phiếu đều là các sản phẩm có nhiều biến động trong quý I vừa qua. Đơn cử với tín phiếu, từ tháng 2, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu trong 6 tuần liên tiếp, đưa giá trị lượng chứng khoán nợ này lưu hành trên thị trường ở mức 147.000 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, tại các ngân hàng, tín dụng doanh nghiệp và tín dụng cá nhân cũng tăng trưởng chậm. Theo số liệu về phân tách dư nợ doanh nghiệp và cá nhân, tăng trưởng dư nợ cho vay cá nhân đã giảm từ 2,6% trong quý III/2019 và 3,4% trong quý IV/2019 về 0% trong quý I/2020.
Theo FiinGroup đánh giá, chất lượng thu nhập lãi của ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại. Bởi, chỉ số tỷ lệ lãi và phí dự thu trên thu nhập lãi thuần đã tăng trở lại vào quý I/2020 ở mức 168,1%. Trong khi đó đây là chỉ số để theo dõi chất lượng lợi nhuận tín dụng của ngân hàng.
Hơn nữa, theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước thì đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (Nhóm 1) theo quy định tại Thông tư, kể từ ngày được cơ cấu lại, ngân hàng không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được. Nếu không cơ cấu nợ, tỷ lệ này còn có thể cao hơn.
Không chỉ cơ cấu lợi nhuận mà chất lượng tài sản của ngân hàng cũng chịu tác động của dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 2 triệu tỷ đồng dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó, các ngành kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, ô tô và phụ tùng bị ảnh hưởng lớn nhất (548 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ).
Ngoài ra, việc cân đối vốn và thanh khoản của ngân hàng không có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, tỷ lệ LDR tăng nhẹ 1% so với cuối năm 2019, nguyên nhân chính là tín dụng tăng trưởng 1% nhưng tiền gửi của khách hàng giảm 0,1%.
Tuy nhiên, tỷ trọng tiền gửi dưới 3 tháng giảm nhẹ trong tổng cơ cấu huy động. Theo các chuyên gia lý giải, có thể do các nguyên nhân như tiền được rút ra để đầu tư vào các kênh hấp dẫn hơn như trái phiếu hay chứng khoán, doanh nghiệp và cá nhân rút tiền để chi tiêu hoặc để bù đắp thiếu hụt thanh khoản trong thời gian dịch bệnh, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn, dẫn đến tỷ trọng nguồn vốn dưới 3 tháng giảm và vòng quay tiền giảm do suy giảm các hoạt động kinh tế trong thời gian dịch bệnh vừa qua.