Bộ Tài chính đề xuất thay đổi về mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng ống đồng

Việt Dũng

Tại dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đã có những đề xuất thay đổi về mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng ống đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để thực hiện các cam kết quốc tế về thực hiện Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN 2022 (AHTN 2022), tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính dự thảo Nghị định mới của Chính phủ để thay thế cho 4 nghị định: Nghị định số 122/2016/NĐ-CP; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số tổ chức cá nhân vướng mắc về mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN như mặt hàng ống đồng, phân bón, xăng dầu... 

Trong đó, tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016, Chính phủ đã điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng ống đồng từ 0% lên 5% mà không phân biệt mức độ gia công, đặc điểm của sản phẩm nhằm ngăn ngừa doanh nghiệp lợi dụng mức thuế xuất khẩu thấp để xuất khẩu tài nguyên.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và doanh nghiệp Toàn Phát (doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu ống đồng trong nước) phản ảnh về việc bất cập khi xuất khẩu phải chịu thuế xuất khẩu là 5%.

Cụ thể, VCCI cho rằng, việc tăng thuế xuất khẩu đối với tất cả chủng loại ống đồng nhằm khắc phục hiện tượng lợi dụng chuyển đổi đồng nguyên liệu thành các sản phẩm đơn giản để được áp dụng thuế xuất khẩu 0% (bản chất là xuất khẩu đồng nguyên liệu) đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu.

VCCI đề nghị phân loại giữa mặt hàng ống đồng được sản xuất phức tạp và các mặt hàng ống đồng được tái chế đơn giản để quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu phù hợp. Cụ thể, sản phẩm ống đồng được sản xuất phức tạp có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 50mm (≤50mm) đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0%; còn các sản phẩm ống đồng đơn giản có đường kính lớn hơn 50mm (>50mm) áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù việc quy định thuế suất khẩu 5% tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP đã góp phần bảo vệ nguồn nguyên liệu đồng trong nước, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất điện lạnh ổn định nguyên liệu. Tuy nhiên, việc áp dụng cùng mức thuế suất thuế xuất khẩu mà không phân biệt mức độ gia công, đặc điểm sản phẩm đã không khuyến khích doanh nghiệp gia tăng giá trị.

Trên cơ sở các kiến nghị của VCCI và doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án:

Phương án 1: Giữ nguyên như hiện hành, áp dụng thống nhất mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng ống đồng mã HS 7411.10.00. Ưu điểm của phương án này là không tác động đến số thu ngân sách, đơn giản hóa biểu thuế nhưng doanh nghiệp trong nước sẽ không cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài khi xuất khẩu.

Phương án 2: Tiếp thu ý kiến của VCCI, tách riêng mặt hàng ống đồng có đường kính ngoài ≤ 50mm để quy định mức thuế xuất khẩu 0% (bằng mức thuế xuất khẩu trước thời điểm ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP). Đối với các loại đống đồng khác có đường kính ngoài > 50mm vẫn giữ mức thuế xuất khẩu 5% theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP. Phương án này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại các khu chế xuất. Tuy nhiên, theo phương án này sẽ ảnh hưởng đến số thu NSNN.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở tổng kim ngạch xuất khẩu ống đồng các loại đang chịu thuế xuất khẩu 5% trong năm 2021, giả sử có 50% kim ngạch ống đồng xuất khẩu đang chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5% là loại ống đồng có đường kính ngoài ≤ 50 mm, số giảm thu NSNN do việc điều chỉnh này ước khoảng 19,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cho thấy, thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ống đồng tại các Hiệp định CPTPP và EVFTA là 0% nên DN có thể tận dụng ưu đãi này để mở rộng và đa dạng hóa thị trường sang các nước là thành viên CPTPP và EVFTA. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, đồng thời cân nhắc đến yếu tố nhập khẩu, Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện theo phương án 2.