Từ ngày 21/02/2022, người lao động ngoài nước phải về nước trước hạn được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng

Việt Dũng

Có hiệu lực thi hành từ ngày 21/02/2022, Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho sự phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro với người lao động và doanh nghiệp; đồng thời bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Theo đó, các nguồn thu của Quỹ được chuyển vào tài khoản của Quỹ mở tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại để sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật. Quỹ được sử dụng tối đa 50% số kết dư Quỹ năm trước liền kề để gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng thương mại Việt Nam nhưng kỳ hạn tối đa không quá 03 năm.

Mức tiền gửi, kỳ hạn tiền gửi, chi nhánh ngân hàng nhận tiền gửi do Giám đốc Quỹ quyết định căn cứ vào phương án đầu tư Quỹ đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua. Lãi tiền gửi ngân hàng được bổ sung vào nguồn thu của Quỹ hằng năm.

Hằng năm, Cơ quan điều hành Quỹ lập dự toán thu, chi của Quỹ, chi thường xuyên hoạt động quản lý Quỹ trình Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt; kết quả hoạt động, kết quả kiểm toán được công khai theo quy định của pháp luật trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Số dư Quỹ năm trước được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

Quyết định quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có trách nhiệm đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước số tiền 150.000 đồng/người lao động/hợp đồng thay vì mức đóng 1% số thu tiền dịch vụ hàng năm như quy định hiện hành.

Khoản đóng góp này doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp. Định kỳ hằng tháng, doanh nghiệp trích nộp đóng góp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào Quỹ theo số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng của doanh nghiệp, chậm nhất là ngày 10 của tháng tiếp theo.

Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức đóng góp vào Quỹ vẫn giữ nguyên như quy định cũ là 100.000 đồng/người/hợp đồng. Đồng thời, người lao động đóng trực tiếp vào Quỹ bằng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản chậm nhất 03 ngày trước thời điểm xuất cảnh hoặc chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo chấp thuận đăng ký hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh.

Trường hợp người lao động đóng góp vào Quỹ thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi, tổ chức, cá nhân thực hiện thu và chuyển toàn bộ số tiền đóng góp của người lao động trong tháng vào tài khoản của Quỹ, chậm nhất là ngày 10 của tháng tiếp theo.

Đối với mức hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn, Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg của Chính phủ nêu rõ người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ từ 10-30 triệu đồng/trường hợp.

Trường hợp người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác được hỗ trợ từ 7-20 triệu đồng/trường hợp.

Với trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ từ 7-20 triệu đồng/trường hợp.

Với trường hợp người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài, thì thân nhân của người lao động được hỗ trợ 40 triệu đồng/trường hợp...