Cơ chế tài chính đối với nguồn vốn tín dụng, viện trợ của Nga cho Dự án Xây dựng nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1

PV.

(Tài chính)Ngày 11/3/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BTC hướng dẫn giải ngân và cơ chế tài chính đối với nguồn vốn tín dụng và viện trợ của Chính phủ Liên bang Nga cho Dự án Xây dựng nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Thông tư nêu rõ, khoản tín dụng nhà nước của Chính phủ Liên bang Nga cho Chính phủ Việt Nam vay theo Hiệp định tín dụng được ký giữa hai Chính phủ là vốn vay nước ngoài của Chính phủ Việt Nam. Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ Việt Nam nhận nợ với Chính phủ Liên bang Nga và chịu trách nhiệm trả nợ cho Liên bang Nga khi đến hạn.
Bộ Tài chính uỷ quyền Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) vay lại toàn bộ khoản vay của Chính phủ Liên bang Nga để đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Liên bang Nga tài trợ cho việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, được trích từ nguồn trả nợ của Chính phủ Việt Nam cho Liên bang Nga theo Thoả thuận bổ sung số 2 của Hiệp định xử lý nợ tổng thể là khoản thu của NSNN và được cấp phát cho EVN theo hình thức ghi thu, ghi chi NSNN.

Bộ Tài chính yêu cầu các khoản tín dụng nhà nước và viện trợ của Chính phủ Liên bang Nga dành cho Chính phủ Việt Nam phải được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện quy định trong Hiệp định tín dụng và Thoả thuận bổ sung số 2 và các quy định hiện hành có liên quan của Việt Nam.

Các quy định cụ thể

Thông tư số 26/2013/TT-BTC nêu rõ thời gian giải ngân từ năm 2014 đến hết năm 2021. Đồng tiền cho vay lại và thu hồi nợ là đồng Đô la Mỹ (USD). Trong trường hợp EVN trả nợ bằng đồng Việt Nam, sẽ áp dụng theo tỷ giá bán ra đồng Đô la Mỹ do Vietcombank công bố tại thời điểm thu nợ.

Thời gian cho vay lại là 29 năm, trong đó 8 năm ân hạn kể từ ngày giải ngân đầu tiên khoản tín dụng, nhưng bắt đầu trả gốc không muộn hơn ngày 15-3-2022, trả 2 kỳ/năm vào ngày 5-3 và 5-9.

Lãi suất cho vay lại được quy định cụ thể tại Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại. Lãi phạt là 150% lãi suất cho vay lại, tính từ ngày đến hạn đến ngày thanh toán hết khoản nợ quá hạn.

Việc giải ngân vốn tín dụng vay Liên bang Nga được thực hiện theo hình thức thanh toán nhờ thu theo bộ chứng từ có chấp nhận trước theo quy định tại Điều 2 Hiệp định tín dụng, Thoả thuận ngân hàng và hướng dẫn tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Giải ngân vốn viện trợ tài trợ cho việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án được thực hiện theo quy định tại Thoả thuận bổ sung số 2 và Thoả thuận ngân hàng hướng dẫn kỹ thuật thanh toán khoản viện trợ ký ngày 20/1/2012 giữa Vietcombank và Vnesheconombank.

Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

Trách nhiệm của các cơ quan liên quan cũng đã được Thông tư số 26/2013/TT-BTC nêu rõ:

Chủ dự án (Tập đoàn điện lực Việt Nam-EVN): ngoài việc thực hiện các trách nhiệm của Chủ dự án theo quy định, EVN còn có các nhiệm vụ: hàng năm, căn cứ tiến độ thực hiện Dự án và cam kết của Nhà tài trợ, EVN có trách nhiệm lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính cho Dự án theo quy định; Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho Dự án theo đúng quy định; Phối hợp chặt chẽ với Vietcombank để đảm bảo thời hạn trả lời hồ sơ đề nghị thanh toán của các tổ chức Nga theo quy định; Sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với các điều kiện theo qui định; Chịu trách nhiệm nhận nợ, hoàn trả vốn và lãi vay cho VDB theo đúng qui định tại Hợp đồng cho vay lại ký với VDB.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): là Ngân hàng phục vụ cho Dự án được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện việc rút vốn vay, viện trợ và trả nợ cho nước ngoài, có các nhiệm vụ cụ thể: Phối hợp chặt chẽ với Vnesheconombank để xác nhận kịp thời việc đã tiếp nhận bộ chứng từ thanh toán, thông báo chấp thuận hoặc từ chối thanh toán đúng thời hạn tại Thoả thuận ngân hàng và theo quy định; Kiểm tra bộ chứng từ thanh toán, thực hiện giải ngân vốn vay theo yêu cầu của EVN và vốn viện trợ từ nguồn xử lý nợ theo Lệnh chi tiền của Bộ Tài chính và trả nợ vốn vay cho phía Nga theo các quy định; Ghi Nợ Tài khoản “trả nợ Nga” tại Vietcombank và gửi Điện báo thanh toán cho Vnesheconombank; Trong thời gian trích nợ để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (18 tháng), gửi sao kê hàng quý cho Vnesheconombank và đối chiếu số liệu đã thanh toán và số dư trên tài khoản “trả nợ Nga” với Vnesheconombank; Căn cứ thông báo trả nợ nhận được từ Vnesheconombank, chậm nhất 15 ngày trước mỗi kỳ hạn trả nợ (15/3 và 15/9), Vietcombank có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính số tiền lãi và gốc phải trả mỗi kỳ để Bộ Tài chính tiến hành trả nợ cho phía Nga thông qua Vietcombank; Định kỳ 6 tháng, Vietcombank có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) tình hình giải ngân vốn vay và viện trợ, việc trả nợ và số dư tín dụng với Liên bang Nga.

VDB: là Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính uỷ quyền để cho EVN vay lại có trách nhiệm thu hồi nợ cho vay lại từ EVN trả vào Quỹ tích luỹ trả nợ do Bộ Tài chính quản lý để có nguồn trả nợ cho Chính phủ Nga. Ngoài các trách nhiệm của Cơ quan cho vay lại theo quy định, VDB còn có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận kiểm soát chi các khoản thanh toán từ nguồn vốn vay Liên bang Nga cho Dự án kịp thời, theo đúng các quy định. 3.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2013.

Dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2009, gồm hai nhà máy có tổng công suất 4.000 MW đặt tại Ninh Thuận.

Về nguồn kinh phí, Nga đồng ý cho Việt Nam vay 10,5 tỷ USD, Nhật cũng đồng ý cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân. Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008.

Tháng 5/2010, Nga được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, với cam kết lâu dài sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, đồng thời xây dựng một chương trình quốc gia về vấn đề này.

Nga đưa ra mức giá ở nhà máy mức công suất 2.000 MWh là gần 8 tỷ USD và đồng ý cho Việt Nam vay tín dụng xuất khẩu để triển khai dự án.

Nhà máy được dự tính xây dựng với hệ số an toàn cao trên cơ sở các lò phản ứng nước nhẹ hiện đại; sử dụng công nghệ nước áp lực (VVER) theo thiết kế của nhà máy điện thế hệ 3 với mức độ an toàn hơn hẳn thế hệ 2 (như nhà máy Fukushima I). Các chương trình hệ thống nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an toàn chủ động và thụ động.

Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ được khởi công vào năm 2014 và bắt đầu phát điện năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm khởi công đã phải lùi lại để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.