Có chút hụt hơi cuối phiên, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh
Sau cả một ngày (6/5) giao dịch bùng nổ, về cuối phiên chiều, VN-Index bỗng dưng “đánh rơi" 6 điểm, quay lại sát mốc tham chiếu.
Tiếp nối đà tăng điểm tích cực của phiên trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch ngày 6/5 đầy tự tin. Chỉ số VN-Index bật tăng hơn 4 điểm sau ATO và liên tục gia tăng cách biệt. Nhà đầu tư có vẻ đã làm quen tốt với hệ thống giao dịch KRX, khi thanh khoản lúc đầu phiên tăng vượt trội so với ngày 5/5.
Sự hưng phấn của nhà đầu tư tiếp tục lan tỏa sang phiên chiều, giúp VN-Index sớm đạt đỉnh phiên vào lúc 13h45, tăng gần 11 điểm so với tham chiếu và vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 1.250 điểm. Chỉ số VN30-Index lúc này cũng tăng hơn 10 điểm với sắc xanh áp đảo.
Tuy nhiên, sóng gió bất ngờ ập đến, khi đà tăng điểm mạnh mẽ bỗng chốc hụt hơi trong nửa cuối phiên giao dịch buổi chiều. Việc thiếu đi sự dẫn dắt của nhóm ngành có ảnh hưởng cùng với áp lực chốt lời hiện hữu tại vùng 1.250 điểm đã lấy đi toàn bộ nỗ lực tăng giá trước đó của thị trường.

Dòng tiền tiếp tục xu hướng né tránh nhóm bluechips và ưu tiên lựa chọn các mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. GAS (+1,88%) và TCB (+1,32%) là các mã đóng góp nhiều nhất vào sắc xanh cho thị trường trong khi GVR (-2,21%) và HPG (-0,97%) gây áp lực lên chỉ số.
Xung lực tăng yếu dần và thanh khoản gia tăng trở lại cho thấy dấu hiệu thị trường cần có nhịp “nghỉ chân” trước khi công phá lại vùng kháng cự 1,270-1,300 điểm - mốc điểm cân bằng trước khi thông tin thuế đối ứng được công bố. Phiên giao dịch ngày 6/5/2025, VN-Index tăng 1,90 điểm lên mức 1.241,95 điểm, tăng 0,15% so với phiên trước.
Thanh khoản khớp lệnh có dấu hiệu cải thiện, tăng 28.6% so với phiên trước nhưng vẫn thấp hơn 27% so với mức bình quân 20 phiên. Lũy kế đến cuối phiên giao dịch, thanh khoản trên sàn HOSE đạt 773 triệu cổ phiếu (+27,5%), tương đương giá trị giao dịch đạt 17.596 tỷ đồng (+22,5%).
Độ mở thị trường cân bằng với 11/21 nhóm ngành tăng điểm. Dệt may (+2,24%), Bảo hiểm (+2,04%) và Công nghệ viễn thông (+1,88%) là những nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại, Cảng biển (-1,71%), Bất động sản Khu công nghiệp (-1,63%) và Thực phẩm tiêu dùng (-1,25%) là những nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất.
Tận dụng đà giảm của thị trường, khối ngoại “quay xe” gia tăng tỷ trọng vào cuối phiên chiều với giá trị mua ròng tại thời điểm kết phiên đạt 72 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu được mua vào nhiều nhất gồm có: VRE (+99 tỷ đồng) và NVL (+55 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại GMD (-58 tỷ đồng) và VCB (-55 tỷ đồng) là hai mã cổ phiếu chịu áp lực bán nhiều nhất.