Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số vươn ra thế giới


Tại hội nghị lần thứ 2 về hợp tác số toàn cầu do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 26/3, các đại biểu cho rằng, thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Với thế mạnh hiện có, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường thế giới rộng lớn với giá trị hơn 5.100 tỷ USD.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Quang
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Quang

Phát triển đáng khích lệ

Theo Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Văn Chung, lũy kế đến nay có khoảng 1.720 dự án đầu tư từ Việt Nam sang nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 22,12 tỷ USD sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại có xu hướng gia tăng đáng kể. Trong đó, đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực thông tin và truyền thông có 207 dự án với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký. Các dự án viễn thông có quy mô lớn tập trung vào các nước châu Phi; các dự án công nghệ thông tin quy mô nhỏ tập trung vào Singapore, Mỹ, Nhật Bản.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp công nghệ số nước ta có những bước phát triển đáng khích lệ thể hiện qua số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%. Đáng chú ý, tỷ trọng "make in Viet Nam" tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện có tới 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài, có doanh thu từ nước ngoài; tổng doanh thu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD. 

Chi tiêu cho công nghệ thông tin của thế giới được dự báo đạt 5.100 tỷ USD trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023, trong đó, chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tương đương 11,6% và 14,1%. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu năm 2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) và năm 2025 lên mức 3.828.160 tỷ đồng (157,1 tỷ USD).

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Đặng Khánh Linh cho rằng, thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Nếu phát triển năng lực phục vụ thị trường nước ngoài thì đích đến là không có giới hạn. Bởi doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá so với thị trường toàn cầu.

Tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế

Để có thể vươn ra thị trường quốc tế, theo ông Linh, các doanh nghiệp số Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư, tiếp cận thị trường từng bước. Cùng với đó, phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh và luôn thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam nếu có thể hợp lực, chia sẻ kinh nghiệm, học tập doanh nghiệp đi trước là điều kiện vô cùng thuận lợi để tiếp cận thị trường thế giới.

Bà Eunjung Han, Phó Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech, quảng cáo số, trí tuệ nhân tạo… Bà Eunjung Han khuyến nghị, để tiến vào thị trường châu Âu thuận lợi, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tăng cường tính minh bạch chuỗi cung ứng bằng cách triển khai công nghệ số. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu châu Âu đặt ra mà còn giúp tăng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động tay nghề cao; chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và an ninh mạng là những vấn đề quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của thị trường châu Âu và duy trì lợi thế cạnh tranh.

Chia sẻ về kế hoạch thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư của Nhật Bản, Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) Takeo Nakajima nhấn mạnh, hai ngành chất bán dẫn và công nghệ thông tin truyền thông thu hút nhiều đầu tư nước ngoài nhất vào Nhật Bản. JETRO luôn sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sang Nhật Bản về các mô hình kinh doanh, kết nối kinh doanh và những thủ tục doanh nghiệp Việt Nam cần biết khi đầu tư tại Nhật Bản.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn