Cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi tham gia EVFTA
Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) chính thức được ký kết ngày 30/6/2019. Đây là sự kiện quan trọng và ý nghĩa, không chỉ đáp ứng lợi ích của hai bên mà còn tạo ra những động lực mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế…
Bên cạnh những cơ hội thì cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với Việt Nam khi thực thi EVFTA. Bài viết đánh giá tác động của EVFTA đến một số ngành nghề, hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định này.
Một số cam kết cơ bản giữa Việt Nam và EU trong EVFTA
EVFTA là hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất, với 99,2% số dòng thuế sẽ được Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh những ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đặt ra các điều kiện hết sức chặt chẽ về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này, nếu không đáp ứng được thì các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không thể tận dụng được các ưu đãi, lợi thế từ Hiệp định này mang lại. Đây là thách thức rất lớn đặt ra đối với hàng hóa xuất khẩu, do đó, Việt Nam cần phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng đổi mới và thay đổi tư duy… khi thực thi EVFTA. EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ, cụ thể:
Thương mại hàng hóa: EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (gồm: Một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao...). EU cũng cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất sang thị trường EU.
Các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại: Theo cam kết tại Hiệp định này, hai bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các quy tắc của Hiệp định TBT trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc liên quan đến SPS nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật.
Quy tắc xuất xứ: Hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu sau: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu, nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%…
Thương mại dịch vụ và đầu tư: Việt Nam và EU cam kết về thương mại dịch vụ đầu tư trong EVFTA hướng tới tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các DN 2 bên. cam kết của EU đối với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất trong các FTA gần đây của EU. Cam kết của Việt Nam cho EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO, ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam thực hiện với các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại.
Cơ hội từ thị trường EU
Hiện nay, EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với khu vực thị trường châu Âu. Từ năm 2000 đến 2018, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU tăng hơn 13 lần (từ mức 4,1 tỷ USD lên 56,3 tỷ USD), trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng hơn 15 lần, từ 2,8 tỷ USD lên 42,5 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong giai đoạn 2012 - 2018 đạt 12,7%/năm. Trong đó, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2018 chỉ đạt 3,1%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Thực thi EVFTA ngay lập tức gỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU. Đây sẽ là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường quan trọng này.
Nhìn chung, EVFTA sẽ là động lực giúp các DN Việt Nam chủ động thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang các nước thuộc nhóm EU. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng lên các nhóm ngành nói chung và các cổ phiếu nói riêng sẽ có tính phân hóa rõ rệt dựa vào mức thuế suất của ngành và cơ cấu thị phần xuất khẩu các DN trong ngành.
Yêu cầu đặt ra đối với hàng hóa Việt Nam
EU là một thị trường có mức thu nhập cao, cũng là thị trường có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu là rất lớn. Do đó, hàng hóa Việt Nam muốn thâm nhập sâu vào thị trường này cần chú ý một số vấn đề mang tính rủi ro cao và tranh chấp thương mại lớn... Đây cũng là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam khi tham gia EVFTA. Bên cạnh đó, còn có những khó khăn, thách thức sau:
Thứ nhất, khó khăn trong thực thi các quy tắc xuất xứ của EVFTA.
EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ, đây có thể là một lực cản đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc, chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.
Thứ hai, khó khăn trong việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường từ EVFTA.
Về sở hữu trí tuệ, thống kê cho thấy, phần lớn DN Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ, trong khi đây là yêu cầu đặt ra hàng đầu của EU đối với bất kỳ hàng hóa tham gia vào thị trường này. Do vậy, để có thể khai thác được lợi ích từ hiệp định EVFTA, Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới những quy tắc về sở hữu trí tuệ trong EVFTA.
Về sử dụng lao động, dù có nhiều nỗ lực nhưng tại các DN Việt Nam vẫn tồn tại vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Những vướng mắc phổ biến liên quan đến việc người lao động làm thêm quá số giờ quy định; quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động; quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Nếu không giải quyết, vấn đề này, có thể là một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Về bảo vệ môi trường, Việt Nam hiện nay chưa có kinh nghiệm trong thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trên cơ sở các ràng buộc và điều chỉnh thương mại. Đồng thời, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, ý thức và năng lực của cán bộ quản lý cũng như người dân chưa cao ảnh hưởng đến việc thực thi các nghĩa vụ liên quan đến môi trường. Thực trạng này đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam.
Thứ ba, rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ.
Bên cạnh những quy định về xuất xứ, lao động và môi trường, thâm nhập vào thị trường EU vẫn còn khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU. Điển hình là mặt hàng nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế, do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt.
Giải pháp thực thi
Tham gia vào EVFTA kỳ vọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị mới. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần phải có các giải pháp trọng tâm, cụ thể sau:
Một là, phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ: Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn như: dệt may, giày dép… và lắp ráp (như ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử).
Hai là, hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ. Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế nói chung cũng như EVFTA nói riêng.
Bên cạnh đó, cần quy định các chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ; Tăng cường đầu tư công nghệ xử lý chất thải, khí thải, đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo cam kết trong EVFTA; Tăng cường giáo dục ý thức của DN về tầm quan trọng của việc chuyển sang sử dụng công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý môi trường và ý thức trong việc sử dụng đúng tiêu chuẩn các dư lượng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp…
Ba là, phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả; Thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Khai thác lợi thế trong các cam kết đầu tư từ EVFTA nhằm tăng cường hợp tác công nghệ để tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất; Phát triển mạnh hình thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các DN xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các DN.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tìm hiểu và mở rộng các cơ hội tiếp cận thị trường EU.
Năm là, nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, DN.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Đình Cung, Trần Toàn Thắng, CIEM (2017), Hiệp định Thương mại tự do Vietnam – EU: Tác động thể chế và điều chỉnh chính sách ở Việt Nam;
- Ký kết EVFTA: Khẳng định sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/ky-ket-evfta-khang-dinh-suc-hap-dan-cua-thi-truong-viet-nam-309161.html;
- Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết. http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/hiep-dinh-evfta-va-hiep-dinh-ipa-giua-viet-nam-va-lien-minh-chau-au-da-duoc-ky-ket-309152.html;
- Paul Baker, David Vanze, Phạm Thị Lan Hương, Đánh giá tác động dài hạn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, Mutrap, 2014;