Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt
Đánh giá về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đã đạt thành tựu ấn tượng trong thu hút FDI, tuy nhiên cần thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu – phát triển và đổi mới sáng tạo.
Đánh giá về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đã đạt thành tựu ấn tượng trong thu hút FDI, tuy nhiên mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) FDI và DN trong nước vẫn còn yếu, thể hiện ở giá trị gia tăng nội địa còn hạn chế, đặc biệt trong những ngành có mức độ phức tạp cao.
Việt Nam cần thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu – phát triển và đổi mới sáng tạo trong cả nước. Cùng với đó là khuyến khích sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn; Tạo ra cơ hội để DN trong nước hợp tác với DN quốc tế trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, tính theo tỷ lệ % GDP hay theo đầu người, nguồn vốn của FDI Việt Nam đã vượt Trung Quốc hay Ấn Độ và phần lớn các nước ASEAN (nguồn vốn FDI của Việt Nam đặt 6,1% tính theo tỷ lệ GDP cao hơn Trung Quốc chỉ 1,2%, Ấn Độ chỉ 2% và nước nhiều nhất trong khối ASEAN là Malaysia cũng chỉ 3,3%; bình quân các nền kinh tế đang phát triển thì chỉ ở mức 2,2%)... DN Việt có nhiều cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận nguồn tài chính quốc tế hơn, cơ hội thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia. Và đó là một ưu thế lớn trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.
Trên thực tế, DN Việt phần lớn còn yếu về năng lực đổi mới sáng tạo, trình độ quản lý của DN và kỹ năng của người lao động. Các DN Việt Nam ít thay đổi, đổi mới sản phẩm; chưa quan tâm đến sử dụng chứng nhận chất lượng. Cùng với đó, hiện nay, các DN Việt Nam đang đứng trước nguy cơ giảm bớt lợi thế của những nước dựa vào chi phí nhân công thấp.
Ông Kyle Kelhafer, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng, để gia tăng giá trị và tránh bẫy “thu nhập trung bình”, các DN Việt cần dịch chuyển lên trên chuỗi giá trị và dịch chuyển ra ngoài hoạt động sản xuất chế tạo. Với cách mạng công nghệ 4.0, sản xuất chế tạo sẽ chiếm tỷ trọng thấp hơn trong tổng giá trị, cùng với đó, tỷ trọng của dịch vụ sẽ lại tăng lên. Hiện sự tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu thường tập trung ở khâu lắp ráp trong các công đoạn sản xuất chế tạo.
“Việt Nam cần tập trung thu hút FDI vào những lĩnh vực tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Việt Nam cần thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu – phát triển và đổi mới sáng tạo trong cả nước. Cùng với đó là khuyến khích sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn; Tạo ra cơ hội để DN trong nước hợp tác với DN quốc tế trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi không chèn lấn nhà đầu tư và DNNVV trong nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN tại Việt Nam có thể bằng cách cải thiện chuỗi cung ứng, cải thiện dịch vụ logistics...”, ông Kyle Kelhafer chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cũng lưu ý, các DN Nhật đang còn thiếu thông tin về các nhà cung cấp tại Việt Nam. Chính vì thế, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu đủ chất lượng về lĩnh vực này cùng với những số liệu về sản phẩm, năng suất của nhà cung ứng địa phương để DN Nhật có thể tìm kiếm đối tác phù hợp. Cũng góp ý rằng, Việt Nam cần kiểm soát một cách hợp lý các trang thiết bị đã qua sử dụng, ông Kadowaki Keiichi bổ sung thêm.
Về cơ hội phát triển cho Việt Nam, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho biết, hiện tại nhiều DN đã chuyển ra khỏi thị trường Trung Quốc và đây là cơ hội của DN Việt. Vấn đề là Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để thu hút thêm và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi cam kết ủng hộ để có thể đưa DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2019, Hiệp hội DN Hoa Kỳ sẽ liên kết các nhà cung ứng Việt cho DN Hoa Kỳ để tìm đối tác tốt và cùng phát triển”, bà Amanda Rasmussen khẳng định.