Cơ hội và thách thức của digital marketing trong lĩnh vực ngân hàng
Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho phát triển digital marketing trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức khi ứng dụng digital marketing trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo báo cáo thị trường Việt Nam của Statista tháng 4/2022, Việt Nam có khoảng 62 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone, đạt tỷ lệ 63,1% và nằm trong top 10 thị trường có số người dùng smartphone cao nhất thế giới. Điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho phát triển digital marketing trong lĩnh vực ngân hàng.
Một thuận lợi nữa của Việt Nam là hành lang pháp lý về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng từng bước được hoàn thiện. Để phát triển ngân hàng số, thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm quản lý và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bước đầu thiết lập hạ tầng pháp lý cho việc triển khai ngân hàng số.
Cụ thể như Thông tư số 09/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng nhằm cập nhật các quy định mới của Luật An toàn thông tin mạng. Với việc hành lang pháp lý đang được hoàn thiện là cơ sở thuận lợi giúp các ngân hàng phát triển digital marketing. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức khi ứng dụng digital marketing trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, cụ thể:
Một là, chi phí đầu tư lớn. Đa phần các thiết bị máy móc và công nghệ hiện đại đều tốn chi phí rất lớn nên bỏ ra đầu tư thì nhiều ngân hàng vẫn còn e ngại về vốn hóa.
Hai là, hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong việc xây dựng và phát triển chiến lược digital marketing. Đây là vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo và các ngân hàng tại Việt Nam khi chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Ba là, bảo mật thông tin khách hàng. Bên cạnh nhiều tiện ích mang lại cho khách hàng, phát triển ngân hàng số đang đối diện với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, khi ngành ngân hàng luôn là mục tiêu số một của tội phạm công nghệ.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ không đúng cách, bị lừa vào những trang ngân hàng giả mạo… khiến cho kẻ gian lợi dụng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. Điều này đặt ra không chỉ với ngân hàng mà cả với bản thân khách hàng phải tự trang bị kiến thức về công nghệ số để tránh rủi ro.
Bốn là, các dịch vụ ngân hàng số của ngân hàng hầu như phổ biến đối với người dân khu vực thành thị, đặc biệt đối với những người kinh doanh online. Còn ở khu vực tỉnh và nông thôn thì do trình độ dân trí thấp hơn, hệ thống mạng lưới các ngân hàng thưa thớt, nên người dân ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc ứng dụng digital marketing trong hoạt động của các ngân hàng Việt Nam.
Để tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, ngân hàng cần có cách thức tiếp thị phù hợp hơn tiếp thị truyền thống. Theo đó, cần có một chiến lược digital marketing phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường, số hóa các dữ liệu của ngân hàng, và tăng cường công tác tiếp thị số trên các trang mạng xã hội.
Thứ nhất, về chi phí đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực. Lập kế hoạch marketing ngân hàng là việc những nhà lãnh đạo cần hướng tới. Việc lập ra kế hoạch marketing không chỉ giúp các ngân hàng chủ động với những thay đổi của thị trường mà còn là cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động marketing sau này. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh phức tạp và công nghệ phát triển thì tiếp thị số là lựa chọn hàng đầu mà các nhà lãnh đạo hướng tới vì thế nên có sự đầu tư hơn nữa về tài chính và con người. Digital marketing là cả một quá trình và kết quả của việc đầu tư cho marketing ngân hàng mang lại là rất lớn. Để có thể ứng dụng và triển khai digital marketing một cách có hiệu quả các ngân hàng cần chú ý những điểm sau:
- Đội ngũ nhân sự phải mạnh, có nhân viên am hiểu về marketing và công nghệ, kỹ thuật số.
- Hạ tầng, cơ sở thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế hiện nay.
- Tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm từ các đối tác tiềm năng cũng như các đối thủ trên thị trường.
- Nghiên cứu, khảo sát khách hàng, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của khách hàng sử dụng những sản phẩm, dịch vụ nào để xác định các mặt mạnh, mặt yếu của mình.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đưa ra các phương pháp để đánh giá, đo lường hiệu quả của hoạt động digital marketing. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng có thể mạnh dạn đưa ra những chiến dịch marketing hiệu quả trong tương lai mà còn giúp ngân hàng loại bỏ những hoạt động marketing không phù hợp, không mang lại hiệu quả cho ngân hàng.
Thứ hai, về bảo mật thông tin. Trong thời đại kỹ thuật số, các ngân hàng đang tận dụng sức mạnh của công nghệ để gia tăng hiệu quả tiếp thị trên nền tảng số, thay thế cho các phương pháp truyền thống. Tập trung vào các sản phẩm nhỏ hơn được cá nhân hoá, có tính ứng dụng cao với người dùng, truyền thông bằng sản phẩm, ưu đãi. Khi hệ sinh thái tiện ích càng được mở rộng thì số lượng kênh tiếp cận khách hàng càng lớn, các ngân hàng không chỉ hướng tới các kênh sở hữu của ngân hàng như chi nhánh, website,… mà còn ở các kênh khác như đối tác, khách hàng. Tạo ra một thế giới số, trong đó ngân hàng có thể phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Thứ ba, tiếp cận đúng đối tượng khách hàng. Thông qua mạng xã hội và truyền thông xã hội việc xây dựng một chiến lược digital marketing phải được lên kế hoạch bài bản, tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ đúng như đã quảng cáo, không những nâng được độ nhận biết cho thương hiệu và tạo ra thiện cảm trong công chúng cho các ngân hàng, mà còn có thể tạo ra bản sắc cho thương hiệu mà website có thể không bao giờ làm được.