Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số của cơ quan thuế
Sự chuyển đổi số mạnh mẽ của các nền kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế nhưng đi cùng với đó là không ít thách thức đặt ra đối với cho cơ quan thuế trong việc xây dựng chính sách, quản lý tài chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Những rào cản, thách thức có thể đề cập tới như: Tình trạng thiếu kỹ năng, cơ sở hạ tầng thiết bị, nguy cơ an ninh mạng, an toàn và bảo mật dữ liệu… Những thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan thuế trong việc định hướng mục tiêu, cũng như xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với tình hình mới, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế cho cơ quan thuế.
Chuyển đổi số và hệ sinh thái kỹ thuật số
Chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ và trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Nó mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp (DN). Nếu việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một DN hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.
Đối với khu vực DN, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng các công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực của DN để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ mới. Điều này tạo ra lợi ích cho DN, cũng như thúc đẩy nền kinh tế chung.
Đối với khu vực công, chuyển đổi số sử dụng dữ liệu và hệ thống công nghệ số, nhằm thay đổi trải nghiệm người sử dụng các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp. Việc thay đổi hệ thống công nghệ cũng làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, Chính phủ các nước dần ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng “Nhà nước số”, “Chính phủ số”. Do đó, việc chuyển đổi số tại khu vực công là vấn đề trọng điểm đối với sự phát triển của đất nước.
Chuyển đổi số vượt xa việc tin học hóa và sử dụng CNTT, viễn thông đã mở ra cơ hội và tạo ra những thách thức mới đối với các Chính phủ trên toàn thế giới. Nó bao gồm một số kết nối và các công nghệ đang phát triển, có thể được mô tả như một hệ sinh thái kỹ thuật số (Hình 1). Cụ thể:
Internet vạn vật (IOT): Các cảm biến được kết nối với các đối tượng vật lý thu thập và truyền dữ liệu lớn mà Chính phủ các nước có thể sử dụng để cải thiện các dịch vụ công.
Mạng 5G, tính toán hiệu suất cao, điện toán đám mây: Các công nghệ cho phép truyền tải, xử lý nhanh chóng, lưu trữ và truy xuất dữ liệu lớn hiệu quả về chi phí được tạo bởi các IOT và các nguồn khác.
Phân tích dữ liệu lớn: Các kỹ thuật và công cụ phần mềm được sử dụng để khai thác dữ liệu và lập hồ sơ.
Trí tuệ nhân tạo: Khả năng máy móc và hệ thống thu nhận và áp dụng kiến thức. Trí tuệ nhân tạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý dữ liệu ở quy mô lớn và tăng tốc độ tìm kiếm các mẫu dữ liệu đã được định sẵn.
Công nghệ chuỗi khối: Một sổ cái phân tán, trong đó các giao dịch cá nhân được ghi lại trong các khối được liên kết với nhau theo thứ tự thời gian, sử dụng mã hóa dữ liệu. Công nghệ tạo ra các bản ghi kỹ thuật số của các giao dịch hiện thị cho tất cả mọi người trong mạng và không thể sửa đổi.
Hệ sinh thái kỹ thuật số có khả năng làm giảm bớt những hạn chế về thông tin ảnh hưởng đến các chính sách và hoạt động của Chính phủ; cho phép cải thiện khả năng quản lý tài chính, thuế, quản lý thu chi ngân sách và cung cấp dịch vụ công.
Các kỹ thuật này mang lại tiềm năng trong việc thay đổi cách tương tác giữa các cá nhân, tổ chức với Chính phủ. Điều này quan trọng hơn vào thời điểm hiện tại, khi thế giới đang phải đối diện với những thách thức trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Chuyển đổi số của cơ quan thuế
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và DN, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.
Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ BCSĐ ngày 09/3/2018 về triển khai ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tài chính ngân sách.
Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 đáp ứng cụ thể hóa các yêu cầu tại Nghị quyết số 17/ NQ-CP ngày 07/3/2019.
Về lộ trình chuyển đổi số của Bộ Tài chính, tại Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính phê duyệt kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính nêu rõ tầm nhìn giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh.
Nhận thức được tầm quan trọng và xu thế phát triển nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi số, ngành Thuế đã chủ động chuẩn bị và tham gia vào lĩnh vực này để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế.
Thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả bước đầu.
- Triển khai giải pháp về hạ tầng kỹ thuật: Trong những năm qua, cơ quan thuế đã triển khai hạ tầng kỹ thuật công nghệ, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Thuế.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Thuế đã triển khai nâng cấp hệ thống mạng nội bộ với tốc độ cao (đường cáp quang) kết nối giữa trung tâm hai miền Nam và Bắc, kết nối từ các Cục Thuế, Chi cục Thuế đến trung tâm miền và trung tâm tỉnh theo dự án hạ tầng truyền thông ngành Tài chính, đảm bảo yêu cầu truyền nhận, trao đổi dữ liệu để triển khai các ứng dụng xử lý tập trung tại Tổng cục Thuế như: Ứng dụng quản lý thuế, ứng dụng email, trao đổi tin nhắn, hội họp trực tuyến trong toàn Ngành…
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã nâng cấp các đường truyền kết nối cơ quan thuế với các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành Thuế để hỗ trợ người nộp thuế(NNT), DN ứng dụng khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử...
Bên cạnh việc nâng cấp đường truyền, Tổng cục Thuế triển khai các hệ thống phân quyền, kiểm tra, giám sát thông tin trao đổi giữa cơ quan thuế và các cơ quan bên ngoài nhằm đảm bảo chuẩn hóa và an toàn, an ninh thông tin trong việc trao đổi dữ liệu.
Hạ tầng máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị bảo mật của ngành Thuế liên tục được đầu tư, bổ sung đáp ứng việc triển khai các công nghệ mới như hệ thống điện toán đám mây, ảo hóa hạ tầng máy chủ, cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý và kho dữ liệu về thuế (trên nền tảng công nghệ Datawarehouse của hãng Oracle) đáp ứng các yêu cầu của đề án kho cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Xây dựng kho cơ sở dữ liệu thí điểm lưu trữ các thông tin nhận từ bên thứ 3 (như Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Thống kê, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…) giúp việc quản lý thu ngân sách hiệu quả, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước.
- Phát triển các ứng dụng phục vụ người dân và DN: Các ứng dụng CNTT của ngành Thuế không chỉ hỗ trợ tốt cho công tác quản lý nội ngành, mà còn phục vụ tốt cho người dân và DN. Trong 5 năm gần đây, Tổng cục Thuế đã xây dựng cổng điện tử và kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế trực tiếp qua mạng, hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy; công khai chính sách, chế độ, thủ tục hành chính thuế trên trang Web; cung cấp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế miễn phí cho DN và NNT.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, DN nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, số lượng thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến là 304 thủ tục, trong đó có 182/304 thủ tục hành chính đã triển khai nâng cấp lên dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4.
Số lượng thủ tục hành chính đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức 3 là 32 thủ tục, mức 4 là 150 thủ tục. Ngành Thuế đã tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 150 dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ công trực tuyến của cơ quan thuế luôn được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao khi tham gia giao dịch với cơ quan thuế.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến tháng 9/2020, trên nền tảng triển khai hệ thống khai thuế điện tử đến 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc, có 790.924 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,91% trên tổng DN đang hoạt động trên cả nước. Số ngân hàng thương mại cả nước đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế là 55 ngân hàng.
Số lượng DN đã đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 778.093 DN, đạt tỷ lệ 98,28%; số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 777.152 DN, chiếm tỷ lệ 98,17% trên tổng số 791.676 DN đang hoạt động.
Tổng cục Thuế đã đồng hành hỗ trợ các DN tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại các TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng. Trong năm 2020 đã có 255 DN tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, có 1.150.798 hóa đơn đã được cấp mã với tổng doanh thu là hơn 33.480 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 2.953 tỷ đồng...
Đồng thời, Tổng cục Thuế thực hiện ứng dụng khai điện tử tờ khai đối với hoạt động thuê tài sản (trong đó có hoạt động thuê nhà) tại 63 Cục Thuế và các Chi cục Thuế trực thuộc. Đến cuối năm 2020, số tài khoản giao dịch thuế điện tử đã cấp cho cá nhân đăng ký là 236.633 tài khoản, số tờ khai đã gửi là 134.470 tờ khai.
Từ ngày 01/8/2020, Tổng cục Thuế triển khai khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy tại 2 Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, số lượng tờ khai nhận được tại Cục Thuế TP. Hà Nội là 12.925 hồ sơ, chiếm 6,41% tổng số hồ sơ...
Cơ hội, thách thức đối với tiến trình chuyển đổi số của cơ quan thuế
Cơ hội
Chuyển đổi số của cơ quan thuế giúp tăng số thu ngân sách bằng cách tăng cường quản lý thuế và tăng cường tuân thủ tự nguyện, đặc biệt đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế ngày càng được tiếp cận với lượng lớn thông tin bao gồm cả thông tin nội bộ, cũng như thông tin từ các cơ quan khác, thông tin trực tuyến của các cá nhân như dữ liệu về các giao dịch ngân hàng, thu nhập từ nguồn lao động và nguồn ngoài lao động. Khả năng tiếp cận thông tin được cải thiện, tăng cường khả năng của cơ quan thuế trong việc nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT.
Chuyển đổi số cho phép cơ quan thuế theo dõi các hoạt động kinh doanh hiệu quả với chi phí thấp hơn, thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các DN gian lận dựa trên các tờ khai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN.
Chuyển đổi số còn giúp thúc đẩy sự tuân thủ tựnguyện của NNT thông qua việc tăng cường nhận thức của NNT về khả năng của cơ quan thuế trong việc thu thập thông tin liên quan (có thể từ ngân hàng và bên thứ ba khác) và giảm chi phí tuân thủ thuế thông qua việc truy cập thông tin của NNT…
Thách thức
Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với cơ quan thuế. Cụ thể:
Thứ nhất, cơ quan thuế thiếu một chiến lược để đạt được các mục tiêu chuyển đổi số. Một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, mạch lạc hình thành nên nền tảng của quá trình chuyển đổi số giúp các nhà lãnh đạo nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của toàn bộ quá trình chuyển đổi.
Thứ hai, sự thiếu hụt lực lượng cán bộ CNTT có kỹ năng thực hiện tiến trình chuyển đổi số. Một lực lượng cán bộ có chuyên môn và hiểu biết về công nghệ là không thể thiếu đối với bất kỳ chiến lược chuyển đổi số của các tổ chức. Tuyển dụng những người có kỹ năng cần thiết hoặc đào tạo nhân viên hiện tại tất nhiên có thể giải quyết những thiếu sót về kỹ năng. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế và chính sách để cơ quan thuế có thể tuyển dụng và giữ chân những cán bộ có kỹ năng CNTT phù hợp với mức lương, thưởng, chế độ làm việc tương ứng so với khu vực DN tư nhân, DN nước ngoài.
Thứ ba, quy trình đầu tư, mua sắm và triển khai hạ tầng CNTT của cơ quan thuế chưa phù hợp với tiến trình chuyển đổi số. Quy trình đầu tư, mua sắm và triển khai hạ tầng CNTT cần phải thay đổi để phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Cần loại bỏ, thay thế các quy tắc, quy định thiếu linh hoạt, chưa phù hợp để có thể tiếp cận, triển khai nhanh chóng và đưa vào ứng dụng kịp thời những công nghệ mới này trong cơ quan thuế.
Giải pháp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của cơ quan thuế
Để khắc phục những thách thức trên, đồng thời giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số, cơ quan thuế cần tập trung triển khai các giải pháp, sau:
Thứ nhất, xây dựng một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, mạch lạc, đây là yếu tố đầu tiên tiến tới chuyển đổi số thành công. Chiến lược chuyển đổi số phải kèm theo cơ chế chính sách để theo dõi, đo lường, đánh giá tiến trình chuyển đổi theo các mục tiêu đặt ra. Chiến lược nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cấp, áp dụng các công nghệ mới cả trong và ngoài Ngành.
Việc xây dựng một lộ trình chuyển đổi số xem xét tới các yếu tố thay đổi về thói quen làm việc, cách chỉ đạo điều hành, lực lượng lao động, quy trình mua sắm. Tiến tới giải quyết sự thiếu hụt kỹ năng số, đầu tư vào nguồn lực và công nghệ giúp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của tổ chức. Xác định các quy trình, quy định pháp luật, các yếu tố văn hóa có thể cản trở quá trình chuyển đổi số và đưa ra giải pháp để vượt qua các rào cản này.
Thứ hai, chiến lược chuyển đổi số lấy người dân, DN làm trung tâm của quá trình chuyển đổi. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cơ quan thuế cần tập trung đáp ứng nhu cầu của người dân, DN về dịch vụ công. Thông qua các bản khảo sát, đánh giá do người dùng nhận xét về chất lượng các dịch vụ để xây dựng phương pháp chuyển đổi, phản hồi nhanh chóng, liên tục tới người dùng.
Thứ ba, tăng cường kỹ năng chuyển đổi số của lực lượng cán bộ CNTT. Một trong những bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số là xác định khoảng cách về kỹ năng số để có kế hoạch đào tạo nâng cao kỹ năng số cho cán bộ CNTT tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Thứ tư, thay đổi quy trình đầu tư, mua sắm hệ thống hạ tầng CNTT. Trong thời đại kỹ thuật số, sự thay đổi của công nghệ diễn ra nhanh chóng, nơi các thiết bị và ứng dụng sử dụng trong 5 năm trở nên bị lỗi thời; do đó cần đơn giản hóa quy trình đầu tư, mua sắm nhằm thu hút nhiều nhà cung cấp với những giải pháp tốt nhất, giảm thời gian lựa chọn nhà thầu và cho phép thời hạn hợp đồng triển khai ngắn hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chuyển_đổi_số;
2. http://digitaltransformation.vn/5-tru-cot-cua-chuyen-doi-so-giai-ma-cong-thuc-thanh-cong;
3. https://m.vcci.com.vn/nganh-thue-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-quan-ly-thue;
4. Deloitte University Press (2015), “The journey to government’s digital transformation”;
5. OECD (April 2020), “Digitalisation Challenges and Opportunities for Subnational Governments”.
(*) ThS. Nguyễn Quang Tiến, ThS. Đinh Công Hiếu - Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế).
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.