Có nên “bắt dao rơi” khi cổ phiếu giảm sâu?
VN-Index đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, nhiều nhà đầu tư đang đau đầu suy nghĩ liệu có nên bắt đáy cổ phiếu vào thời điểm này?.
Việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tục giảm mạnh đã và đang khiến các nhà đầu tư không đủ tỉnh táo để đưa ra hành động chính xác nhất và dễ mắc sai lầm nhất. Nhìn vào thực tế thị trường thì thật đáng buồn, nhưng đây lại là một cơ hội.
Thật vậy, nếu nhìn lại lịch sử trong 5 năm qua, các phiên giảm này cũng không có gì là lạ trên thị trường. Cũng giống như 3 phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên Đán, tổng thị trường mất hơn 60 điểm, nhiều cổ phiếu giảm hơn 7%; hay các phiên cuối tháng 11/2019, các phiên tháng 6, 7/2018 thị trường đều trải qua các đợt điều chỉnh mạnh hay vào những thời khắc tháng 4/2018 khi thị trường rơi từ 1.200 điểm, VN-Index đã mất hơn 200 điểm trong vòng 1 tháng.
Dù không phải là COVID-19, hay trước đây là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay gần nhất là xung đột quân sự Mỹ - Iran,…, không sớm thì muộn, mỗi nhà đầu tư sẽ tiếp tục gặp các sự kiện biến động lớn trong suốt quá trình đầu tư.
Tránh bẫy cảm xúc
Chúng ta đều hiểu rằng, giá của một cổ phiếu trên thị trường đều được quyết định bởi cung – cầu trên thị trường. Và cung – cầu này đến từ những nhà đầu tư, và khi chúng ta mua hay bán, dù ít hay nhiều, cũng có một phần tâm lý và một phần cảm xúc mà chúng ta gửi vào. Và chính những cảm xúc này làm mỗi nhà đầu tư hưng phấn và rồi chán nản, dẫn đến những kết quả giao dịch không được như ý muốn.
Thông thường khi một cổ phiếu giảm 10%, nhà đầu tư đều hy vọng nó sẽ phục hồi vì không chấp nhận thua lỗ, đến khi mức giảm đó là 15%, nhà đầu tư lại mong hồi lại 10% thì cắt lỗ, nhưng không may cổ phiếu lại tiếp tục giảm 20% rồi 25%, khiến các nhà đầu tư buông xuôi, bất cần và để mặc thị trường quyết định.
Nhưng đáng lý ra, khi mức giảm ở 10% thì chúng ta phải bán cổ phiếu ngay đi để tránh thua lỗ và chờ đợi một cơ hội khác tốt hơn. Trái lại, khi cổ phiếu tăng giá và chúng ta đang kiếm được tiền thì lại sợ có thể bị mất lợi nhuận. Để kiểm soát tốt cảm xúc, mỗi nhà đầu tư cần những chiến lược đầu tư đúng đắn, một phương pháp giao dịch hiệu quả và có tính thực chiến cao, mang lại sự bình tĩnh, kiểm soát tốt tâm lý của mình.
Đã đến lúc bắt đáy?
Khi thị trường giảm sâu, liệu rằng mỗi nhà đầu tư có biết được đó là đáy hay không? Hay chỉ thực sự biết đó là đáy khi đã đi qua đáy rồi? Cảm giác bắt đáy mang lại cảm xúc rất “sướng” cho chúng ta nếu bắt đúng, đó là cảm xúc trong đầu tư, và thuộc về cảm xúc thì đều ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả giao dịch của mình. Đặc biệt trong lúc thị trường giảm sâu, cụ thể vào tháng 4/2018, VN-Index chính thức rơi từ mốc 1.200 điểm, bước vào xu hướng giảm dài hạn, rơi về 1.100 điểm, nhiều dự đoán đó là đáy.
Tuy nhiên, VN-Index tiếp tục rơi về vùng 1.000 điểm, rồi về vùng 880 điểm, và hiện tại là vùng 800 điểm. Các số liệu đã minh chứng cho điều đó, bắt đáy là bắt dao rơi, và rất nguy hiểm cho tài khoản của mình. Cần phân biệt rõ việc bắt đáy và chiến lược mua gom giá thấp trong thị trường hoảng loạn. Hai vị thế, hành động và suy nghĩ khác nhau, mỗi nhà đầu tư không nên đánh đồng việc đó. Vậy nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Thứ nhất, cần bình tĩnh: Cảm xúc là thứ sẽ giết chết mỗi nhà đầu tư trên con đường đầu tư dài hơi này. Lúc thị trường hưng phấn, sẽ khiến chúng ta dễ mua sai, và lúc thị trường hoảng loạn, chúng ta sẽ dễ có những quyết định bán sai lầm. Chính vì vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thị trường ngày mai có tiếp tục giảm 5% nữa đi chăng nữa, mỗi nhà đầu tư cũng cần phải bình tĩnh, giữ cho mình một cái đầu lạnh. Việc giữ được bình tĩnh, góc nhìn của chúng ta sẽ rộng hơn, và quyết đoán hơn.
Thứ hai, cần xem xét tình hình tài khoản. Suy cho cùng, dù các thông tin có như thế nào, thì không thể phủ nhận việc VN-Index đã vào xu hướng giảm. Ai cũng biết margin là công cụ đòn bẩy rất tốt trong lúc thị trường tăng, nhưng cũng là “con dao hai lưỡi” lúc thị trường giảm. Khi thị trường bước vào xu hướng giảm, dù có cố chấp đến đâu, buông bỏ đến đâu, mỗi nhà đầu tư phải hạ hết margin, đưa tài khoản về các cổ phiếu nắm giữ bằng tiền mặt, tiền tươi của chúng ta.
Thứ ba là tài khoản không dùng margin: Nhà đầu tư xem xét trong danh mục những cổ phiếu nào yếu nhất, kỳ vọng xấu nhất thì hạ dần tỷ trọng luôn. Để dành tiền mặt đó, khi thị trường phục hồi trở lại, chúng ta có thể tham chiến với thị trường.
Thứ tư, đối với những nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường, cần quan sát thị trường, lúc hoảng loạn cũng là lúc những cổ phiếu khỏe xuất hiện, hãy dành thời gian lên danh mục khỏe nhất, ít bị ảnh hưởng bởi thông tin nhất để sẵn sàng mua vào.
Trong lịch sử TTCK Việt Nam, đã rất nhiều lần xuất hiện "ngày bùng nổ theo đà". Ngày bùng nổ theo đà mang lại cảm giác về một cú tăng bùng nổ mạnh, dứt khoát và thuyết phục, chứ không phải là phiên tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch vào ngày bùng nổ theo đà trong phần lớn trường hợp đều cao hơn mức trung bình. Ngoài ra, đỉnh của phiên giao dịch sau luôn cao hơn đỉnh phiên giao dịch trước. Do vậy, với 3 phiên giảm mạnh vừa qua, các nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khoẻ trong những phiên bán tháo của thị trường…