Có nên cho phép doanh nghiệp đảo nợ?

Nghi Thu

Trong gói hỗ trợ lãi suất dù quy định không chấp nhận cho doanh nghiệp (DN) vay để đảo nợ, song DN vẫn có thể “lách” bằng cách làm các dự án và hồ sơ khác để vay. Vậy liệu chăng nên cho phép DN đảo nợ?

Vẫn có thể lách

Tại Hội nghị đánh giá triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN trong hoạt động xuất khẩu năm 2009 vừa được tổ chức tại TP. HCM, rất nhiều DN phản ánh chưa “chạm tay” được tới gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm của Chính phủ. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc CTCP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn, cơ hội rất khó khăn cho DN nhỏ và vừa vì điều kiện cho vay vẫn hết sức chặt, đặc biệt là phải có tài sản thế chấp. Nhiều DN cũng ta than rằng, chỉ có hợp đồng vay mới mới được hỗ trợ lãi suất, trong khi hầu hết DN đang trong tình trạng có nợ cũ với lãi suất vay 16 - 17%/năm, hàng hóa không bán được nên chưa thể trả nợ cũ để được vay mới...

Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của các NHTM, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 13/3/2009 là 144.312 tỷ đồng. Trong đó dư nợ cho vay của nhóm NHTM nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 114.537 tỷ đồng, tăng 25.107 tỷ đồng (tăng 28%), nhóm NHTM cổ phần là 26.837 tỷ đồng, (tăng 18,7%); nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 2.938 tỷ đồng (tăng 76%)... Vậy phải chăng số lượng tiền khổng lồ như vậy được giải ngân nhanh trong một thời gian ngắn một phần là do các DN tìm cách vay nợ mới để trả nợ cũ (đảo nợ)?

Theo ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc CTCP Gỗ Trường Thành, cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất 4%/năm chưa rõ ràng nên không ít DN có mối quan hệ tốt với các NHTM vẫn vay được để đảo nợ. Không loại trừ trường hợp, DN vay ở ngân hàng này nhưng lại trả khoản vay ở các ngân hàng khác. Tuy nhiên, theo đại diện của NHNN khẳng định, không có việc ngân hàng và DN dựa trên quan hệ quen biết để bắt tay cho vay đảo nợ.

Phải thừa nhận rằng các ngân hàng khó có thể kiểm soát được các "chiêu" đảo nợ của DN. Chưa biết thực hư ra sao song không ít phản ánh của một số giám đốc ngân hàng, thì hiện nay, đã xuất hiện tình trạng, một vài DN “thỏa thuận ngầm” với nhau để lập dự án ảo hoặc hợp đồng ma, qua mặt cán bộ tín dụng, nhằm vay được lãi suất thấp và sử dụng không đúng mục đích. Cũng không loại trừ trường hợp cán bộ ngân hàng và DN có thể cấu kết với nhau để lập những dự án “ma” để ăn chia phần lãi suất hỗ trợ.

Chấp nhận cho DN đảo nợ?

Một số ý kiến cho rằng, đảo nợ sẽ là một hiện tượng tất yếu vì quy định chỉ hỗ trợ lãi suất cho khoản vay phát sinh từ 1/2/2009 trở đi. Dù không có chính sách hỗ trợ lãi suất, hiện tượng đảo nợ vẫn xảy ra vì lãi suất cơ bản giảm sâu và nhanh trong những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành kiến nghị Chính phủ nên cho các DN vay vốn với lãi suất này để đảo nợ.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - người được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao trách nhiệm gặp DN để ghi nhận tình hình triển khai gói kích cầu cũng cho rằng, yêu cầu đảo nợ là một thực tế vì ông cũng đã nghe một số DN tại Hà Nội phản ánh về vấn đề này. Và thực tế, hoạt động này đang âm thầm diễn ra bằng nhiều kiểu, nhiều cách.

Vậy có nên cho DN vay món tiền mới để trả nợ cũ và tiếp tục vay hay không? Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đảo nợ sẽ không gây ảnh hưởng xấu vì sẽ biến gói kích cầu thành gói cứu trợ tài chính cho các NHTM và như vậy cũng dẫn đến tác dụng kích cầu. Bởi khi DN trả được nợ cũ thì NHTM có thể cho vay mới, tài chính của NHTM sẽ lành mạnh hơn vì được khách hàng thanh toán đầy đủ. Về phía DN, đảo nợ để có vốn duy trì được hàng vạn công ăn việc làm thì không khác gì được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch. Nếu không cho đảo nợ thì chẳng khác nào tiếp tay cho các “dịch vụ đảo nợ” đang hoạt động lén lút (nhưng công khai) “cắt cổ” người kinh doanh với lãi suất vay nóng cực cao. Như vậy, một cơ chế đảo nợ hợp pháp để giảm bớt gánh nặng lãi suất cho DN là một việc nên làm không những trong bối cảnh hiện nay mà là một yêu cầu của thực tiễn để thị trường vốn vận hành thông suốt, giảm bớt hệ quả xấu từ mặt trái của nó. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, "nếu được thì chúng ta nên công khai việc này để tránh phát sinh tiêu cực” và cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng về tình hình nhiều DN muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay để giải quyết nợ cũ.

Gói hỗ trợ bù lãi suất 4% của Chính phủ là giải pháp hợp lý cho cả ngân hàng và người kinh doanh và việc giúp DN đảo nợ cũng là việc rất đáng được các nhà quản lí, nhà làm chính sách xem xét nhằm gỡ khó cho DN trong bối cảnh hiện nay.