Có nên mua EUR/USD thời điểm hiện tại?
Trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với USD, VND mới chỉ mất giá nhẹ, đặc biệt khi đồng EUR lần đầu trong 20 năm có giá rẻ hơn USD, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi "liệu có nên đầu tư vào USD/ EUR thời điểm hiện tại?".
Quan chức Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đánh giá lạm phát vẫn ở mức cao và kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt là các cơ sở để Fed có thể quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 11 và thêm 0,5% vào tháng 12. Đến cuối năm 2022, lãi suất đồng USD có thể là 4,25 - 4,5%/năm.
Việc Fed liên tiếp nâng lãi suất đồng USD (hiện đã ở mức cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008) đã đẩy hàng loạt các đồng tiền khác giảm xuống mức giá kỷ lục.
Theo tính toán của NHNN, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng, đến nay đã có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Diễn biến lạm phát trên thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam).
Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: JPY (-25,18%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%). Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (giảm khoảng gần 4%).
Điều đáng lưu ý, lần đầu tiên trong 20 năm EUR có giá rẻ hơn USD, có thời điểm 1 EUR chỉ đổi được 0,99 USD. Ngày 3/10, 1 EUR đổi được 1,019 USD.
Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank ngày 03/10 là: 23.730 - 24.040 đồng/USD, chênh lệch mua bán là 310 đồng/USD; 22.844 - 24.123 đồng/EUR, chênh lệch mua bán là 1.279 đồng/EUR.
Trên thị trường tự do USD đang mua vào - bán ra ở mức 24.150 - 24.200 đồng/USD.
VDSC kỳ vọng, kịch bản mất giá với VND so với USD cả năm 2022 từ 4-5%. Trong khi BVSC nhận định, mức mất giá của đồng VND có thể lên cao nhất tới mức 4% trong năm 2022, nhưng mức mất giá ở thời điểm hiện tại đã nằm trong vùng cao nhất của năm.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo, tỷ giá trong các tháng cuối năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát, với mức tăng 4-4,5% cả năm.
Ông Lực cho rằng, mức tăng của đồng USD thời gian tới sẽ không còn quá mạnh. Khi Fed liên tiếp tăng lãi suất có thể khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và biên độ tăng lãi suất sẽ không còn quá mạnh như trong các tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn cầu cũng đang tăng chậm lại;
Theo ông Lực, cung - cầu ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục được ổn định khi cán cân thương mại dự kiến vẫn thặng dư 4-8 tỷ USD trong năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài vẫn tích cực (9 tháng tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước). Cùng với đó, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt, mua/bán ngoại tệ nhằm hỗ trợ ổn định thị trường.
Có nên rút tiền gửi ngân hàng hoặc chuyển kênh đầu tư sang USD, EUR?
Trước thực tế, giá USD tăng mạnh, EUR giảm giá so với USD, nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề "liệu có nên đầu tư vào EUR thời điểm hiện tại? Đây đã là đáy của EUR? Hoặc có nên rút tiền ngân hàng đầu tư USD?"
Đồng EUR đã sụt giảm mạnh so với USD kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Nguyên nhân là do giá khí đốt tăng và lo ngại xung quanh việc Nga, nguồn cung cấp năng lượng chính cho châu Âu, sẽ cắt hoàn toàn khí đốt đến khu vực này để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Viraj Patel, chuyên gia ngoại hối tại Vanda Research cho biết, mức ngang giá có thể là thời điểm mà các nhà đầu cơ giá lên và đầu cơ giá xuống sẽ tạm ngưng giao dịch để xác định đường đi tiếp theo của đồng tiền.
"Gần đây, chúng tôi bắt đầu thấy các nhà đầu tư đặt cược vào việc đồng EUR sẽ tiếp tục trượt xuống dưới mức ngang giá. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư sẽ bắt đầu "bắt đáy" EUR khi tiến gần hơn đến mức đó", ông Viraj Patel cho biết.
Thực tế, không có nhiều kỳ vọng cho việc sớm tăng giá trở lại của EUR khi lãi suất USD sẽ tiếp tục tăng cao đến đầu năm 2023 (dự báo khoảng 4,6%), còn ECB được dự báo sẽ nâng lãi suất đồng tiền chung Châu Âu lên mức 1%. Theo nguyên lý, dòng tiền sẽ đi đến nơi có lợi suất cao hơn. Đồng USD cũng đang được hưởng lợi từ sức hấp dẫn trú ẩn an toàn. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm, các nhà đầu tư đang cảm thấy an toàn tương đối khi lựa chọn đồng USD.
Ở trong nước, lãi suất huy động trong nước đang tăng, ở mức trung bình 7,3-8%/năm với kỳ hạn 12-18 tháng. Theo dự báo của các công ty phân tích và chuyên gia, USD đang ở đỉnh giá, nhà đầu tư có thể bán ra USD ở mức 24.150 đồng/USD (thị trường tự do) để thu lợi thay vì đầu tư đợi tăng giá.
Còn với mức giá nêu trên, khi bán 1 USD có thể đổi được gần 1 EUR (mức ra bán ra của các NHTM là 24.123 đồng/EUR). Tuy nhiên, hiện chênh lệch mua - bán EUR ở các NHTM là rất lớn (trên 5%). Vì vậy, để thắng được mức chênh lệch này trong khoảng thời gian ngắn đã khó, chưa nói tới rủi ro giảm giá EUR ở thời điểm hiện tại so với USD và VND (khi VND tiếp tục giữ giá so với USD) là hiện hữu từ nay tới cuối năm.
Cũng cần lưu ý rằng, theo quy định của NHNN, mua bán ngoại tệ trong lãnh thổ Việt Nam là kinh doanh có điều kiện.
Tại Điều 5 Thông tư 18 của NHNN về quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng: "Cá nhân là công dân Việt Nam được quyền mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này. Cụ thể là mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, với mức 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày.
Số ngoại tệ tiền mặt tối đa cá nhân được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan là 5.000 USD.