Có nhiều cách để quản lý chất lượng sản phẩm trong doanh nghiệp
Muốn phát triển nhanh, bền vững thì doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng ngành, doanh nghiệp và sản phẩm. Trong đó, nâng cao năng suất chất lượng, cụ thể là chất lượng sản phẩm là giải pháp then chốt mà mỗi quốc gia cần chú trọng đẩy mạnh.
Thực tế cho thấy, dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì việc quản lý chất lượng sản phẩm trong doanh nghiệp cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chất lượng chính là yếu tố cần thiết giúp mỗi một doanh nghiệp có thể quản lý tốt các hoạt động sản xuất.
Việc quản lý chất lượng sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử như tại các doanh nghiệp may mặc, việc quản lý chất lượng tốt thì sẽ giúp giảm số lượng hàng bị lỗi, hàng không đạt chuẩn phải sản xuất lại.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ giúp chi phí đầu tư cho nhân công, nguyên vật liệu, nhà xưởng sẽ giảm. Như vậy, sản phẩm bán ra có chất lượng cao mà giá thành thấp hơn. Chắc chắn sản phẩm như vậy về lâu dài sẽ tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng sản phẩm cũng sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng linh hoạt yêu cầu của xã hội. Ngày nay, trên thị trường các loại mặt hàng ngày càng dạng, tính cạnh tranh khốc liệt. Việc nâng cao chất lượng hàng hoá, phù hợp với các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp có thể nâng cao uy tín, khẳng định được thương hiệu.
Những doanh nghiệp thực hiện tốt những điều này thực tế cho thấy đều là những doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội.Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nghĩa là doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả các nguyên vật liệu cũng như nguồn nhân lực vốn có của xã hội. Điều này giúp doanh nghiệp đảm bảo được rằng hoạt động sản xuất sẽ không gây lãng phí cũng như hậu quả xấu với môi trường, kinh tế hay xã hội.
Từ đó, các doanh nghiệp cũng sẽ đem lại lợi ích thiết thực với quốc gia. Nếu một sản phẩm chất lượng khẳng định được vị trí của mình trên thương trường trong nước cũng như quốc tế. Khi ấy hình ảnh đất nước Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn, rõ ràng doanh nghiệp khi ấy cũng sẽ từng bước giúp chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Tuy nhiên, để thực hiện những điều trên không hề dễ dàng và đòi hỏi không chỉ từ những yếu tố nội tại của doanh nghiệp mà còn đến từ sự đầu tư, nỗ lực. Theo khảo sát của các chuyên gia, để quá trình quản lý chất lượng sản phẩm trong doanh nghiệp được đảm bảo thì không thể thiếu đi cam kết triệt để của ban lãnh đạo.
Theo đó, lãnh đạo là người chịu trách nhiệm trong quá trình đồng bộ giữa mục đích hoạt động và đường lối doanh nghiệp. Ban lãnh đạo có thể xây dựng các chiến lược liên quan tới đảm bảo, nâng cao chiến lược sản phẩm để từ đó có thể khuyến khích sự tham gia của nhân viên. Chất lượng sản phẩm sẽ được đồng bộ, đạt được hiệu quả cao nhất.
Cùng với đó, nhân tố con người luôn đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp. Việc mọi nhân viên tham gia đóng góp sức mình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm doanh nghiệp sẽ giúp sức mạnh nội lực của tổ chức được nâng cao. Mọi chức vụ từ thấp đến cao đều có vai trò quan trọng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm. Bởi vậy nên ban lãnh đạo cần tạo cơ hội cho mỗi nhân viên học hỏi cũng như không ngừng sáng tạo, bồi dưỡng chuyên môn để hoàn thành tốt công việc vị trí của chính mình.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, rõ ràng chất lượng sẽ được định hướng bởi khách hàng. Bởi vậy trong quá trình tiến hành sản xuất doanh nghiệp cần phải hiểu được rằng nhu cầu của khách hàng sẽ luôn biến đổi với yêu cầu ngày càng cao.
Chính vì thế việc không ngừng cải tiến chính là phương pháp giúp tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Việc cải tiến cần phải được tiến hành cẩn trọng từng bước nhỏ, kỹ lưỡng hoặc có thể mạo hiểm nhảy vọt nhưng cần bám chặt vào mục tiêu hoạt động ban đầu.
Đặc biệt, nhiều đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, những mối quan hệ hợp tác là vô cùng cần thiết trong doanh nghiệp. Cùng tạo ra giá trị để nâng cao năng lực cạnh tranh...
Như vậy, thông qua mạng lưới các mối quan hệ nội bộ hay bên ngoài tổ chức như từ khách hàng hay các nhà cung ứng,… doanh nghiệp có thể xác định chiến lược phát triển để từ đó có thể từng bước xâm nhập thị trường, đưa ra chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm cụ thể.