Cổ phần hóa, thoái vốn… chậm do đâu?


Thời gian qua, cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay được đánh giá là quá chậm so với kế hoạch đề ra.

quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay được đánh giá là quá chậm so với kế hoạch đề ra. Nguồn: internet
quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay được đánh giá là quá chậm so với kế hoạch đề ra. Nguồn: internet

Chậm cổ phần hóa, thoái vốn

Theo kế hoạch, năm 2018 phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp nhà nước nhưng kết thúc năm chỉ có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng; 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.

Tiến độ và kết quả trên còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Năm 2019, kế hoạch cổ phần hóa đặt ra là 18 doanh nghiệp cùng với hơn 40 doanh nghiệp chưa thực hiện của năm 2018. Tuy nhiên, hết quý II/2019 vẫn chưa có doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong công tác thoái vốn. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2018, việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 doanh nghiệp. Trong những tháng đầu năm 2019, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện thoái vốn.

Nguyên nhân do đâu?

Lý giải nguyên nhân của tình trạng chậm trễ trên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, vấn đề khách quan tồn tại hiện nay dẫn đến tiến độ chậm là do doanh nghiệp phải cổ phần hóa có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp đang trong quá trình xử lý các vụ việc phát sinh dẫn đến chậm cổ phần hóa.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm cổ phần hóa, thoái vốn là do quá trình tổ chức thực hiện của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất đai và giá để tính vào giá trị doanh nghiệp.

“Trong Luật Đất đai có quy định, chính quyền địa phương có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp trong vòng 30 ngày. Song, trên thực tế, có dự án 6-9 tháng vẫn chưa xong. Điều này dẫn đến chậm tiến độ cổ phần hóa nói chung.”- ông Tiến dẫn chứng.

Về thoái vốn, nhiều đơn vị hiện vẫn chưa đủ hồ sơ, chưa xác lập quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nên chưa thể thực hiện thoái vốn. Một số doanh nghiệp cũng còn lúng túng trong quá trình thoái vốn, nhất là với các đơn vị có dự án thua lỗ, không có nhà đầu tư mua.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, ông Tiến cho rằng, tinh thần quyết liệt của lãnh đạo các doanh nghiệp cũng chưa cao, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ngần ngại trong cổ phần hóa. Bởi lẽ, khi cổ phần hóa các doanh nghiệp sẽ phải công khai, minh bạch toàn bộ tình hình tài chính và những tồn tại về công nợ gắn với trách nhiệm của người lãnh đạo doanh nghiệp.

Như vậy, muốn đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, theo ông Đặng Quyết Tiến, cần kịp thời có chỉ đạo, chấn chỉnh việc phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và đẩy nhanh tiến độ triển khai phương án này. Đồng thời, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh việc niêm yết trên thị trường chứng khoán và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch và có biện pháp xử lý các trường hợp triển khai chậm hoặc cố tình không triển khai...