Cổ phiếu bật dậy khi “đường cong Covid” được là phẳng
Vẫn còn quá sớm để dự báo đà phục hồi của thị trường chứng khoán, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, đi cùng các gói hỗ trợ kinh tế được đồng loạt triển khai, khả năng nền kinh tế phục hồi vào nửa cuối năm là hoàn toàn có thể.
Mặc dù trên thế giới, Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng tại Việt Nam tình hình hết sức khả quan khi số lượng các ca nhiễm mới tăng chậm lại trong vòng nửa tháng qua. Việc Việt Nam nhanh chóng làm phẳng đường cong nhiễm bệnh có thể sẽ khiến Chính phủ sớm ban hành các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Vì vậy quan sát diễn biến trên thị trường chứng khoán những ngày qua, có thể nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn xuống tiền bắt đáy, đồng thời giúp một số cổ phiếu bật tăng trở lại khá ấn tượng.
Đơn cử, cổ phiếu CTD của nhà thầu xây dựng Coteccons đã tăng trở lại mức 61.000 đồng/cổ phiếu sau khi chạm đáy 53.000 đồng/cổ phiếu. Đó là nhờ giới đầu tư đặt niềm tin xây dựng sẽ là một trong những lĩnh vực có cơ hội phục hồi rõ nét khi từ đây đến cuối năm, các dự án bất động sản sẽ quay trở lại, đi cùng với chính sách đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông của Chính phủ.
Riêng trong quý I, tuy đại dịch còn phức tạp nhưng Coteccons đã liên tiếp ký được 2 hợp đồng lớn với tổng giá trị hơn 5.000 nghìn tỷ đồng. Theo lãnh đạo công ty, đây là tín hiệu khả quan và có được nhờ sự cố gắng của toàn nhân viên, bất chấp khó khăn chung giữa đại dịch Covid-19, đồng thời có thể tạo động lực để Coteccons thúc đẩy tiến độ phục hồi kinh doanh trong năm nay.
Một cổ phiếu gây chú ý cho thị trường như VJC của hàng không Vietjet Air khi bật tăng từ mức 96.000 đồng cuối tháng 3 lên 117.000 đồng trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Lý do VJC vừa thông báo sẽ bổ sung thêm các tuyến đường bay nội địa khi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Đồng thời ngành hàng không cũng là một trong những lĩnh vực dự kiến sẽ nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ sau đại dịch. Giá dầu đang ở mức thấp kỷ lục sẽ giúp biên lợi nhuận của các hãng hàng không được cải thiện.
Tương tự VJC, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines cũng phục hồi từ 18.000 đồng cuối tháng 3 lên hơn 25.000 đồng. Hay mã ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bật tăng từ 42.000 đồng lên 56.000 đồng hiện nay. Một số cổ phiếu bán lẻ, tiêu dùng, ngân hàng cũng có dấu hiệu phục hồi đáng kể.
Việc nhiều cổ phiếu liên tục tăng giá do tâm lý của nhà đầu tư ổn định hơn. Nhờ đó, VN-Index đã vượt qua cột mốc tâm lý 700 điểm và rất nhanh, đang tiến sát mức 800 điểm với thanh khoản trung bình đạt khá cao, hơn 3.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để dự báo đà phục hồi của thị trường chứng khoán, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, đi cùng các gói hỗ trợ kinh tế được đồng loạt triển khai, khả năng nền kinh tế phục hồi vào nửa cuối năm là hoàn toàn có thể. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ giảm còn 2,7% nhưng sẽ phục hồi lên 7% vào năm 2021.
Nhiều công ty chứng khoán cũng có cái nhìn khá lạc quan. Chẳng hạn Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, trong kịch bản cơ sở Việt Nam có khả năng sẽ khống chế dịch thành công vào cuối tháng 4, trước Mỹ và châu Âu (đầu tháng 6). Khi đó, các hoạt động kinh tế trong nước như bán lẻ, du lịch, văn hóa giải trí... có thể dần được nối lại trước trong khi hoạt động giao thương với các nước Mỹ và châu Âu sẽ hồi phục theo sau nhưng tốc độ sẽ chậm hơn, đưa mức tăng GDP cả năm vào tầm 3,8-4,2%.
Đồng thời đợt giảm giá mạnh vừa qua khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu được đưa về mức hấp dẫn hơn so với trước đó. “Thống kê kết quả kinh doanh 2008 cho thấy các DN hồi phục rất nhanh sau khủng hoảng 2008. So với bối cảnh khủng hoảng đó, kinh tế Việt Nam hiện nay có sự ổn định và vững chãi hơn nhiều. Thời gian tới thị trường sẽ diễn biến ổn định hơn, lý tính hơn trong việc quyết định bán ra, mua vào. Sự phân hóa sẽ rõ nét khi thị trường nhận ra cơ hội mua vào giá rẻ ở một số cổ phiếu”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.