Cổ phiếu nhà băng vào đà tăng nhiệt
Việc thị giá nhiều mã cổ phiếu nhà băng tăng mạnh cùng thanh khoản vượt trội đang mang tới tín hiệu khả quan cho nhóm ngành này, nhất là khi nhóm ngân hàng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá. Dù vậy, cơ hội không phải dành cho tất cả, "thắng thua" là do biết chọn cổ phiếu.
Sau một tuần giao dịch (3-7/6), cổ phiếu VCB (Vietcombank) tăng 1,49% chặn đứng đà giảm liên tiếp 4 tuần trước đó; cổ phiếu CTG (VietinBank) tăng 2,82%; cổ phiếu TCB (Techcombank) tăng 4,47% khi đón nhận tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận được chia cổ tức tỷ lệ 1:1 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).
Có dấu hiệu sớm kết thúc giai đoạn tích luỹ
Bước sang tuần giao dịch mới, trong 2 phiên đầu (10-11/6), nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì sắc xanh tích cực cùng thanh khoản đứng top thị trường, điển hình như TCB, CTG, VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam),…
Cần phải nhắc lại rằng, hầu hết các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đều nằm trong nhóm vốn hoá lớn của thị trường nên phải cần dòng tiền vào khá lớn mới có đủ sức đẩy giá cổ phiếu. Do đó, việc nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá cùng thanh khoản vượt trội là tín hiệu khả quan.
Theo giới phân tích tài chính, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh gần đây, định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng càng trở nên hấp dẫn. Đáng chú ý, các chỉ số P/E, P/B dự phóng ở nhóm cổ phiếu này còn có xu hướng “rẻ” hơn bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Ngoài ra, “mưa” cổ tức tiền mặt của các ngân hàng (ở mức cao cho năm 2023 và 2024) đang dần thu hút sự quan tâm đối với các nhà đầu tư, nhờ đó tạo đà tăng giá cho nhóm cổ phiếu nhà băng.
Trước đó, nhiều ý kiến nhận định, nhóm cổ phiếu dẫn dắt bao gồm nhóm ngân hàng vẫn đang ở trong trạng thái vận động chưa rõ xu hướng, đều đem lại những tín hiệu chờ đợi và sẵn sàng cho một sự bùng nổ khi được kích hoạt. Theo đó, với những tín hiệu từ nhóm này trong thời gian tới luôn là những ngòi nổ quan trọng giúp kích hoạt sự bứt phá và đồng thuận cả về đà tăng thị giá lẫn thanh khoản cho thị trường. Đây được cho là động lực tạo ra cú hích lớn đối với vận động của chỉ số VN-Index và cơ hội vượt kháng cự 1.300 điểm của chỉ số được coi chỉ là vấn đề thời gian.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Yuanta cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu sớm kết thúc giai đoạn tích luỹ. Kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm trở lại nhóm cổ phiếu này và chỉ số VN-Index sẽ có khả năng vượt vùng kháng cự 1.290 – 1.295 điểm.
Cơ hội không dành cho tất cả
Chứng khoán Yuanta đánh giá tích cực cổ phiếu ngân hàng dựa trên kỳ vọng thu nhập lãi ròng năm 2024 được cải thiện nhờ khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn và chi phí vốn thấp hơn. Định giá của ngành ngân hàng vẫn hấp dẫn, với dự báo P/B năm 2024 trung vị là 1,1 lần và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 18%, riêng ROE bình quân của 7 ngân hàng nằm trong danh mục khuyến nghị của công ty là 20%, bao gồm Ngân hàng Á Châu (ACB), BIDV (BID), HDBank (HDB), MBBank (MBB), Sacombank (STB), Vietcombank, VPBank (VPB).
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup cho rằng, có 3 yếu tố hỗ trợ chính cho ngành ngân hàng trong năm 2024.
Trước hết, lợi nhuận năm 2024 được kỳ vọng sẽ tăng 12-15% từ mức nền thấp 2023, nhờ môi trường vĩ mô dần cải thiện. Động lực chính bao gồm tín dụng tăng trưởng trở lại khi các hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục, NIM tiếp tục cải thiện nhờ chi phí vốn giảm và thu nhập ngoài lãi ổn định.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ở mức nền định giá thấp từ giai đoạn 2015 đến nay, nên cơ hội tái định giá trong thời gian tới vẫn còn, đơn cử như TCB, VIB, ACB, HDB, MSB (Ngân hàng Hàng Hải), TPB (TPBank), SHB (Sahabank), VPB...
Ngoài ra, với các câu chuyện riêng của từng ngân hàng, bao gồm kế hoạch chi trả cổ tức, phát hành tăng vốn, chuyển sàn… là các yếu tố sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua” trong thời gian tới, song sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các cổ phiếu. Trong đó, những cổ phiếu có tiềm năng và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt vẫn sẽ tích cực.
Thực tế, ngành ngân hàng với kỳ vọng lãi suất hạ sẽ giúp nợ xấu được kiểm soát và xử lý hiệu quả, tín dụng tăng trưởng trở lại giúp nền kinh tế và ngành ngân hàng phục hồi. Tuy nhiên, những diễn biến thời gian qua đang cho thấy quá trình này sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn khi kinh tế thực phục hồi chậm và nhiều khách hàng vay nợ đang ở tình trạng thanh khoản khó khăn hơn cả giai đoạn 2022-2023 trong khi nền lãi suất bắt đầu tăng trở lại.
Theo WiChart, năm 2024, thu nhập lãi ròng sẽ trở thành động lực chính dựa trên kỳ vọng về mức tăng trưởng tín dụng cao và chi phí vốn giảm. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay là 14% và các nhà băng cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được ngưỡng trên khi cầu vốn trở lại.
Song dữ liệu của WiChart cũng cho thấy, quý I/2024, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã bất ngờ quay đầu tăng thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.010 tỷ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng ngành ngân hàng đang trải qua giai đoạn tăng trưởng tín dụng thấp, huy động kém cũng đẩy lãi suất lên làm giảm NIM. Nợ xấu vẫn có xu hướng tăng khiến nhu cầu trích lập dự phòng tăng theo.
SSI Research nhận định áp lực nợ xấu sẽ tăng trong năm 2024 khi đã bị trì hoãn ghi nhận, nền kinh tế phục hồi chậm. Hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2 - 3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết, xóa các khoản nợ xấu. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn như ACB, Vietcombank, VietinBank, BIDV... hồi phục sớm hơn.
"Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao những ngân hàng hàng đầu trong ngành, đặc biệt là những cổ phiếu còn room nước ngoài và có thể được thêm vào danh sách quan tâm khi Việt Nam được nâng hạng”, TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital nêu quan điểm.