Cổ phiếu nhà Vin “gánh” thị trường phiên cuối tuần
Lực cầu xuất hiện thưa thớt khiến thị trường không tạo ra được đột phá nào trong phiên cuối tuần (29/9), nhưng vẫn duy trì được sắc xanh nhẹ với sự “gánh” đỡ của cổ phiếu Vingroup.
Sau một thời gian dài ảm đạm và đi xuống, cổ phiếu VHM và VIC bỗng bật tăng ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch ngày 29/9 và lan tỏa sắc xanh gần khắp bảng điện. Tuy nhiên, càng về sau, diễn biến thị trường càng trầm lắng hơn khi lực bán có dấu hiệu gia tăng trong khi lực cầu lại khá thưa thớt.
Thanh khoản tiếp tục tụt dốc cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng trước những diễn biến rung lắc của thị trường tuần qua. Và tâm lý nhà đầu tư càng ảm đạm hơn khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Chỉ số VN-Index lình xình đi ngang trên mốc tham chiếu nhờ sự nâng đỡ của cặp đôi lớn VHM (+2,25%), VRE (+2,55%) và VIC (+4,11%) và đã giữ được sắc xanh nhạt này đến hết phiên.
Ngoài cặp đôi lớn VIC và VHM, một số mã bất động sản khác cũng đóng cửa khởi sắc với thanh khoản sôi động như DIG tăng 2,4%, PDR tăng 1,3% và thanh khoản đều trên 10 triệu đơn vị, VCG, CII, BCG, LCG… tăng nhẹ. Điểm sáng là VPH và LHG kết phiên tăng kịch trần.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa, trong đó cặp đôi lớn CTG và VCB là những tác nhân ảnh hưởng lớn nhất thị trường, lần lượt đóng cửa giảm 2,6% và 0,6%.
Nhóm thủy sản hạ nhiệt và chỉ còn tăng nhẹ nhờ sự đóng góp của VHC tăng 1,81% cùng IDI và ABT nhích nhẹ.
Điều đáng nói chính là dòng tiền tiếp tục đứng ngoài khiến thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ và rơi xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng với tổng giá trị chưa tới 14.000 tỷ đồng.
Kết phiên, VN-Index tăng 1,7 điểm lên mốc 1.154,15 điểm. HNX-Index tăng 1,8 điểm và UPCoM cũng tăng 0,34 điểm. Như vậy, tính chung cả tuần, VN-Index giảm 38,9 điểm, tương đương với 3,26% so với tuần trước.
Trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu hóa chất và bất động sản là 2 nhóm ngành chịu ảnh hướng lớn nhất với mức giảm lần lượt là 6,54% và 4,63%.
Giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm trừ trong phiên cuối tuần khi liên tục đẩy mạnh bán ròng xuyên suốt phiên với thanh khoản 509 tỷ đồng.
Trong đó, CTG bị bán ròng mạnh nhất 89 tỷ đồng. Tiếp theo là VCI (-76 tỷ đồng), HPG (-52 tỷ đồng), DPM (-47 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ FUEVFVND (-40 tỷ đồng), HCM (-31 tỷ đồng… Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất DXG và GAS nhưng giá trị chỉ hơn 20 tỷ đồng.
VCG, MWG, DGW, FTS cũng được mua ròng hơn 10 tỷ đồng, còn lại khối ngoại gom ròng rải rác tại LHG, GEX, BSI, PDR, FRT, TPB, VRE…