Cổ phiếu VPL của Vinpearl: “Cháy hàng” trong ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE

Minh Lâm

Trong ngày đầu tiên giao dịch trên sàn HoSE (13/5), cổ phiếu VPL của Công ty cổ phần Vinpearl tăng kịch trần ngay sau khi mở cửa, với dư mua 1,5 triệu cổ phiếu.

Vinpearl hiện đang sở hữu và vận hành 31 cơ sở lưu trú với tổng cộng 16.100 phòng trên cả nước.
Vinpearl hiện đang sở hữu và vận hành 31 cơ sở lưu trú với tổng cộng 16.100 phòng trên cả nước.

1,79 tỷ đơn vị cổ phiếu VPL của Công ty cổ phần Vinpearl đã được niêm yết trên sàn HOSE sáng 13/05/2025, với giá tham chiếu là 71.300 đồng/cổ phiếu và biên độ giao động ngày đầu tiên là +/-20%.

Ngay khi mở cửa, VPL đã tăng kịch trần 19,9% lên 85.500 đồng/cổ phiếu với dư mua trần gần 1,5 triệu đơn vị cổ phiếu, trong khi bên bán khoảng 7,7 nghìn đơn vị cổ phiếu, với thanh khoản chỉ khớp 4,8 nghìn đơn vị cổ phiếu. Có vẻ như các cổ đông lớn, bé đều ôm hàng cố thủ, không bán ra trong phiên đầu tiên chào sàn HOSE.

Tại mức giá này, vốn hóa của Vinpearl ước tính đạt khoảng 130 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Việc niêm yết Vinpearl sẽ nâng tỷ trọng nhóm cổ phiếu thuộc Tập đoàn Vingroup trong chỉ số VN-Index từ khoảng 11% lên 13,5%.

Với mức vốn hoá trên, Vinpearl lọt vào top 15 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, đứng sát sau VPBank và vượt qua các tên tuổi phi ngân hàng như Vinamilk, GVR, Masan...

Trong cơ cấu cổ đông, Vingroup hiện là cổ đông lớn nhất của Vinpearl, sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu VPL, chiếm 85,5% vốn điều lệ. Tạm tính theo mức định giá tại thời điểm chào sàn, giá trị thị trường của số cổ phần này lên đến hơn 110.000 tỷ đồng.

Vinpearl là công ty trong lĩnh vực khách sạn và du lịch thuộc Tập đoàn Vingroup (một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam). Được thành lập vào năm 2001, Vinpearl hiện vận hành các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, công viên, quần thể giải trí, cùng với sân golf trên khắp cả nước. Vinpearl có những lợi thế cạnh tranh về kinh nghiệm quản lý dự án hiệu quả, cùng với thương hiệu giá trị và khả năng tiếp cận hệ sinh thái chất lượng cao.

Bắt đầu với Vinpearl Resort Nha Trang vào năm 2003, Vinpearl hiện đang sở hữu và vận hành 31 cơ sở lưu trú với tổng cộng 16.100 phòng trên cả nước, với 3 thương hiệu: Vinpearl, Meliá Vinpearl và Marriott. Theo Vinpearl, công ty đã đạt khoảng 1,9 triệu đêm phòng bán ra trong năm 2024.

Với bề dày kinh nghiệm trong việc phát triển dự án nghỉ dưỡng và giải trí quy mô lớn, cùng với hệ thống khách sạn đa dạng và quỹ đất đắc địa, Vinpearl hiện giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành du lịch – khách sạn tại Việt Nam.

Thông qua việc triển khai các quần thể quy mô lớn và nâng cao hiệu quả hoạt động, Vinpearl đang có cơ hội để tăng trưởng dài hạn cùng sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Vinpearl nhắm tới tăng 40% số phòng khách sạn, mở rộng diện tích công viên thêm tới 65%, và tăng gấp 4 lần số lượng sân golf 18 lỗ vào năm 2028. Doanh thu chuyển nhượng bất động sản dự kiến lên tới 21,5 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2025 – 2027, dự kiến giúp tăng trưởng lợi nhuận mạnh. Vinpearl đang có kế hoạch nhân rộng tại các địa điểm như Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh, khoảng 3.000 ha) và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh, khoảng 5.000 ha).

Ngoài du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl đang mở rộng sang các mảng mới như du lịch MICE, du lịch y tế và du lịch âm nhạc. Những sản phẩm này đang phát triển khi Việt Nam được đánh giá là điểm đến có chi phí hợp lý, hấp dẫn và chất lượng cao. Vinpearl sẽ đẩy mạnh tiếp thị đến du khách quốc tế, làm nổi bật lợi thế giá cả, ẩm thực đặc sắc, thiên nhiên tươi đẹp và di sản văn hóa phong phú.

Bên cạnh các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Vinpearl sẽ khai thác các thị trường mới nổi đầy tiềm năng như Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Đông, các thị trường đường dài và khu vực Đông Nam Á. Công ty cũng đẩy mạnh hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok. Đồng thời, Vinpearl triển khai nhiều chương trình khuyến khích nhà sáng tạo nội dung nhằm tăng mức độ nhận diện thương hiệu.