Cơ quan Hải quan không quản lý phần mềm nhập khẩu theo hình thức phi biên giới
Theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 09/2019/TT-BTC thì phần mềm nhập khẩu theo hình thức phi biên giới nêu trên chưa có quy định cụ thể về mã số HS, không phải là đối tượng quản lý của cơ quan Hải quan, không yêu cầu phải được làm thủ tục hải quan khi tải về thông qua mạng internet.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy định, nhiều doanh nghiệp thắc mắc liên quan đến việc xác định trị giá hải quan phần mềm nhập khẩu theo hình thức phi biên giới (phần mềm được cung cấp cùng với mã pin kích hoạt hoặc tải về từ các trang web hoặc nền tảng lưu trữ đám mây...).
Theo Tổng cục Hải quan, Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là máy móc thiết bị có phần mềm điều khiển, vận hành nhập khẩu kèm theo và trường hợp hàng hóa nhập khẩu là phương tiện trung gian chứa đựng phần mềm ứng dụng dùng cho các thiết bị xử lý dữ liệu.
Cũng tại Luật Hải quan 2014; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 09/2019/TT-BTC thì phần mềm nhập khẩu theo hình thức phi biên giới và không dùng để cài đặt vào máy móc thiết bị nhập khẩu chưa có quy định cụ thể về mã số HS.
Do đó, mặt hàng này hiện không yêu cầu phải được làm thủ tục hải quan khi tải về thông qua mạng internet và đây không phải là đối tượng quản lý của cơ quan Hải quan.