Cơ quan thuế cần có chức năng điều tra mới mong giảm gian lận
Sáng 11/5/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế phối hợp Dự án JICA tổ chức Hội thảo về Điều tra thuế trong khuôn khổ Dự án cải cách hành chính thuế giai đoạn 4 – JICA 4, bà Rio Seino – đại diện Cơ quan thuế Nhật Bản đã có bài chia sẻ kinh nghiệm trong điều tra thuế với ngành Thuế Việt Nam.
Kết quả điều tra, khởi tố vi phạm về thuế còn thấp
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Lai – Chánh Thanh tra Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua ngành Thuế đã rất nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, như thực hiện cơ chế tự khai tự nộp thuế, người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khai thuế, nộp thuế.
Cơ quan thuế tập trung hỗ trợ người nộp thuế, đôn đốc thu nợ thuế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế. Cơ chế tự khai tự nộp thuế đã góp phần thúc đẩy việc nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách để vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu ngân sách nhà nước.
Thống kê của ngành Thuế cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật thuế ngày càng gia tăng, đặc biệt là số vụ vi phạm phát hiện có dấu hiệu tội phạm về thuế gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên kết quả điều tra khởi tố vi phạm lại rất thấp.
Cụ thể thông qua công tác thanh, kiểm tra trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an tổng cộng 690 vụ vi phạm pháp luật về thuế; 305 vụ có dấu hiệu trốn thuế. Cơ quan công an đã điều tra xử lý hình sự 67 vụ, khởi tố điều tra 70 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Con số này, theo đại diện cơ quan thuế, là rất thấp.
Trong khi đó theo ông Lai, những năm gần đây, tình hình vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp có sự cấu kết, móc nối giữa nhiều cá nhân, tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau, thậm chí một số trường hợp liên quan đến cá nhân, tổ chức ở các quốc gia khác, đặc biệt là hoạt động chuyển giá diễn ra có tổ chức, có liên kết giữa các công ty liên doanh, liên kết, tập đoàn đa quốc gia tại nhiều quốc gia khác nhau.
"Với những diễn diễn biến vi phạm gia tăng mạnh và ngày càng tinh vi, phức tạp, ngành Thuế đã có đề xuất giao chức năng điều tra cho cơ quan thuế. Khi có ý kiến chỉ đạo, ngành sẽ tham mưu đề xuất việc sửa đổi khung pháp lý và xây dựng chức năng cũng như cơ cấu tổ chức của cơ quan điều tra thuế”- ông Lai nhấn mạnh.
Sẽ hoàn thiện chức năng điều tra của cơ quan thuế
Chia sẻ kinh nghiệp về công tác điều tra thuế của Nhật Bản, bà Rio Seino – Phó Vụ trưởng Vụ Điều tra thuế, Cơ quan Thuế Nhật Bản cho biết, hiện nay, các mối quan hệ chứng cứ trong tội phạm thuế rất khác với tội phạm thông thường. Do đó cần có kinh nghiệm và kiến thức đặc biệt để thu thập chứng cứ và đánh giá giá trị của các chứng cứ.
Đơn cử như kiến thức chuyên môn về thuế, kiến thức về các điều kiện tính thuế theo các luật thuế, để đánh giá các giao dịch/tài sản là đối tượng tính thuế; hay như cần có kinh nghiệm về nghiệp vụ thuế để xác định số thuế từ các giao dịch kinh tế, hay phải lập những hồ sơ chứng từ như thế nào liên quan đến các giao dịch…
Theo bà Rio Seino, ở Nhật Bản, bộ phận điều tra tội phạm thuế có 1.400 cán bộ điều tra trong tổng số 56.000 cán bộ thuế. Cán bộ điều tra tội phạm thuế được bố trí tại 12 cục thuế vùng, trong đó, 700 người làm công tác điều tra kín và 700 người làm công tác điều tra thực tế.
Cán bộ điều tra thuế không thi tuyển đầu vào, và thường được bổ nhiệm ở độ tuổi cuối 20 đầu 30, sau khi đã có kinh nghiệm làm việc tại chi cục và tại bộ phận khác của cục thuế vùng.
Một điểm đặc biệt nữa đối với cán bộ làm công tác điều tra thuế của Nhật Bản là chế độ đào tạo cấp quốc gia; cập nhật kiến thức mới về luật pháp nhằm nâng cao năng lực vận dụng pháp luật trong thực tiễn nghiệp vụ. Cùng với đó là một khung pháp luật với đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm về thuế như: Người có nghĩa vụ nộp thuế; số thuế phải nộp được xác định; có hành vi gian lận và các hành vi bất chính khác; được xác định là có hành vi trốn thuế; là hành vi cố ý.
Khi phát hiện, điều tra và có kết luận của cơ quan tố tụng, người có “hành vi gian lận và hành vi bất chính khác” sẽ bị phạt tù dưới 10 năm; phạt tiền dưới 10 triệu Yên hoặc xử phạt theo 1 trong 2 hình thức nêu trên hoặc cả 2 hình thức nêu trên.
Với tội trốn thuế do không kê khai, đây là tội trốn thuế do không nộp tờ kê khai nộp thuế theo đúng thời hạn một cách cố ý, sẽ bị phạt tù dưới 5 năm hoặc phạt tiền dưới 5 triệu Yên hoặc cả hai hình thức trên.
“Qua đây, các bạn có thể thấy đối với các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, các hình phạt mà pháp luật thuế của Nhật Bản quy định là rất nặng và không nhân nhượng”, bà Rio Seino nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã đánh giá cao những chia sẻ của bà Rio Seino với ngành Thuế Việt Nam.
“Để đấu tranh với tội phạm về thuế là một trong những thách thức đối với cơ quan thuế Việt Nam do hiện tại, chức năng điều tra thuế chưa được giao cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, trên cơ sở đảm bảo tốt chức năng quản lý nhà nước về thuế, chức năng điều tra thuế đã được đề cập trong Chiến lược cải cách thuế 2011- 2020. Tới đây, trong chương trình sửa đổi Luật Quản lý thuế, một lần nữa chức năng điều tra thuế sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận. Đây sẽ là cơ hội tốt để cơ quan thuế tiếp tục nghiên cứu, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoành thiện chức năng điều tra thuế cho cơ quan thuế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế”- ông Minh nhấn mạnh.