Thêm bước tiến trong quản lý thuế đối với giao dịch liên kết
Thêm một bước tiến mới trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch liên kết. Là nhận định chung của một số chuyên gia về Nghị định 21/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã giải quyết được nhiều bất cập tồn tại
Yêu cầu từ thực tiễn
Trước khi có dự thảo nghị định về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều quy định về quản lý giá giao dịch giữa các bên liên kết, đặc biệt là Thông tư 117/2005/TT-BTC và Thông tư 66/2010/TT-BTC.
Không thể phủ nhận, các quy định tại hai Thông tư trên đã đáp ứng yêu cầu trong những năm qua, tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà các quy định cũ không thể giải quyết được.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, nếu như các lĩnh vực thuế: thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng... đều đã có một hệ thống văn bản luật từ luật đến nghị định và thông tư hướng dẫn hoàn chỉnh.
Thậm chí, còn được sửa đổi, cập nhật, hướng dẫn thường xuyên để đáp ứng kịp diễn biến của nền kinh tế thị trường thì lĩnh vực thuế đối với giao dịch mới chỉ dừng lại ở Thông tư và qua một lần sửa đổi từ nhiều năm nay.
Do đó, trong quá trình thanh, kiểm tra giá chuyển nhượng gặp khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Điển hình như: Đánh giá mức độ tuân thủ của các DN đang trong giai đoạn ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ do mới đầu tư, hoạt động dưới công suất hoặc do các nhân tố thị trường tác động không thể kiểm soát được. DN ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới hoạt động có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khách quan cũng như nội tại.
Đối với DN sản xuất, trong giai đoạn đầu thành lập, việc đầu tư nhiều vào máy móc, nhà xưởng, tuyển dụng đào tạo nhân công... sẽ tạo gánh nặng lớn tới kết quả kinh doanh do chi phí cố định trong hoạt động tăng cao.
Mặt khác, trình độ tay nghề của người lao động cùng với kinh nghiệm quản lý chưa cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, sản lượng và doanh thu của DN từ đó nhiều khả năng dẫn tới kết quả kinh doanh lỗ trong năm.
Ngoài ra, trong các phương pháp xác định giá thị trường được quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC, phương pháp thông dụng nhất được áp dụng là phương pháp so sánh lợi nhuận. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của DN sẽ được so sánh với biên độ lợi nhuận từ các công ty độc lập với cùng chức năng.
Tuy nhiên, quá trình lựa chọn các công ty so sánh, các tiêu chí dùng để lựa chọn các công ty so sánh chưa được cụ thể hoá, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình tự đánh giá các giao dịch liên kết của mình…
Trong khi DN chỉ có thể sử dụng các nguồn thông tin được công bố như thị trường chứng khoán hay từ các cơ sở dữ liệu thương mại do các công ty quốc tế độc lập uy tín cung cấp để lựa chọn các công ty so sánh, nhưng trên thực tế cơ quan thuế thường không chấp nhận các thông tin này.
Khi đưa ra số liệu để ấn định, cơ sở dữ liệu mà cơ quan thuế sử dụng, cũng như danh sách các công ty so sánh được lựa chọn thường không được công bố công khai với DN trong quá trình thanh tra.
Thực tế này đã làm giảm đi tính minh bạch trong hoạt động thanh, kiểm tra giá chuyển nhượng, cũng như gây nhiều bức xúc cho các DN…
Giải quyết những bất cập
Để giải quyết những bất cập đặt ra trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.
Nghị định mới quy định các nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Theo đó, người nộp thuế có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai các giao dịch liên kết; loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện.
Cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với các giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất quyết định hình thức để không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của DN với NSNN và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế quy định tại Nghị định này.
Nguyên tắc giao dịch độc lập được áp dụng theo nguyên tắc giao dịch giữa các bên độc lập, không có quan hệ liên kết tại các Hiệp định thuế có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định cụ thể các bên liên kết là một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN kia; cả hai DN đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Một DN là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của DN kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của DN kia; một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay.