Cơ quan thuế tiếp tục khẳng định sửa đổi 5 Luật thuế là phù hợp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế và nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm của dư luận. Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, việc sửa đổi 5 Luật thuế thời điểm này là phù hợp với thông lệ quốc tế và có tính khả thi.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế?
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế |
Ông Nguyễn Văn Phụng: Xét về nội dung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này, xuất phát từ đòi hỏi của nền kinh tế lẽ ra phải đề xuất sửa đổi 5 luật thuế này sớm hơn. Bởi vì, năm 2018, Việt Nam sẽ thực hiện cắt giảm mức thuế suất về 0% đối với gần như tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN và các nước lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Newzealand… theo cam kết của Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) cũng như Hiệp định của ASEAN ký với các nước.
Bên cạnh đó, khi nước ta hội nhập quốc tế sâu hơn sẽ phải cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước để bảo đảm cho nền kinh tế có nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới. Thêm vào đó, khi Việt Nam được quốc tế xếp vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thì các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lãi suất thấp hoặc tài trợ không hoàn lại cũng sẽ không còn.
Dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế lần này chính là cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về hoàn thiện chính sách thuế nhằm thực hiện các mục tiêu: Cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước theo hướng mở rộng cơ sở thuế; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế; Khắc phục được những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.
Hiện, dự thảo này đang nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận. Từ góc độ cơ quan soạn thảo, ông có thể cho biết những ưu điểm của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế là gì?
Ưu điểm của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này là tạo thuận lợi hơn cho đại bộ phận DN và người dân tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh khi đề xuất mức thuế thu nhập DN thấp (15% và 17%) áp dụng đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế cũng thể hiện rõ quan điểm, điều tiết và định hướng tiêu dùng được thiết kế thông qua việc mở rộng diện chịu thuế và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng có hại cho sức khoẻ, có tác động xấu tới môi trường. Đồng thời, Dự thảo Luật sửa đổi cũng bảo đảm thực hiện đồng bộ các chính sách như trợ giúp DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, chính sách bảo vệ môi trường phát triển bền vững…
Đối với thuế thu nhập cá nhân, theo đề xuất, biểu thuế áp dụng cho tất cả những người nộp thuế đang làm công ăn lương với bậc thuế 5% được mở ra với mức thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng (sau khi đã tính giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng cho bản thân và 3,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc) so với mức 5 triệu đồng (hiện hành); Thuế suất 10% được áp dụng với khung thu nhập tính thuế rộng hơn từ trên 10 - 30 triệu đồng/tháng.
Ngược lại, đối với người trúng thưởng sẽ được áp dụng mức thuế suất luỹ tiến 10%, 20% và 30%. Ví dụ: Người trúng thưởng có mức thu nhập trúng thưởng từ 20 triệu đồng trở lên, sau khi được trừ phần không tính thuế 10 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ phải nộp thuế 30%.
Ông có ý kiến như thế nào về tính khả thi của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này?
Năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành một thông tư sửa 7 thông tư với rất nhiều thủ tục cải cách. Cũng năm đó, với sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo Bộ và các đơn vị hữu quan, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa một Nghị định sửa nhiều Nghị định trên tinh thần, mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính.
Trong thời gian qua, ngành Thuế đã chịu sức ép rất lớn trong cải cách, quản lý thuế khi đã thực hiện chuyển đổi việc kê khai, nộp thuế từ thủ công sang sử dụng phương tiện điện tử, nhưng rõ ràng, đây là những nền tảng tạo sự chuyển biến trong Ngành và trong cộng đồng DN.
Trước đây, thời gian DN nộp thuế lên tới 800 giờ, sau đó giảm xuống 600, 500 giờ, nhưng hiện nay chỉ còn hơn 100 giờ. Điều này cũng mở ra cơ hội để ngành Thuế tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế trong tương lai, giảm tiếp giờ nộp thuế, đặc biệt là triển khai thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Trên cơ sở đó, tôi nghĩ rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất 1 luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế thời điềm này là hợp lý, khả thi vì đã có kinh nghiệm, kết quả, nguồn lực con người và cơ sở hạ tầng từ thực tiễn.
Xin cảm ơn ông!