Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97% - 98%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Với vai trò đó, công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thực tế tại một số nước
Trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, các nước thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khẩn cấp thông qua các gói kích thích kinh tế, thực hiện giảm và giãn thuế cho DNNVV nhằm giúp cho doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đến nay hầu hết các quốc gia đều chưa có một định nghĩa hoặc tiêu chí thống nhất để xác định DNNVV, song điểm chung là đều xác định DNNVV dựa trên một số tiêu chí phổ biến: doanh số bán hàng; hoặc số lao động thường xuyên và không thường xuyên hàng năm; hoặc vốn hay giá trị tài sản của DN.
Các tiêu chí này được chính phủ các nước sử dụng để áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển DN, riêng đối với chính sách ưu đãi thuế thì các nước thường sử dụng tiêu chí doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế (doanh thu hoặc thu nhập chịu thuế ở mức thấp thì được miễn, giảm hoặc áp dụng mức thuế suất thấp hơn).
Ở Trung Quốc, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông là 25%, DN nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 10% - 20%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 - 2017, để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ, các DN có thu nhập chịu thuế thấp còn được ưu đãi nhiều hơn. DN có thu nhập chịu thuế nhỏ hơn 200.000 nhân dân tệ áp dụng thuế suất 10% trong giai đoạn 01/01/2015 - 31/12/2017. DN có thu nhập chịu thuế từ 200.000 - 300.000 nhân dân tệ áp dụng thuế suất 20% trong giai đoạn 01/01/2015 - 30/9/2015; thuế suất 10% trong giai đoạn 01/10/2015 - 31/12/2017.
Tương tự, ở Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các DNNVV cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Theo đó, các DNNVV có thu nhập chịu thuế từ 300.000 bạt Thái trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 bạt Thái được áp dụng mức thuế suất 15% và trên 3.000.000 bạt áp dụng mức thuế suất 20%.
Ở Indonesia, thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%. DN có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm. DN có doanh thu từ 4,8 tỷ rupi đến 50 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ rupi (giảm 50% so với mức thuế suất phổ thông).
Ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Hà Lan… không có quy định về mức thuế suất thuế TNDN phổ thông cũng như mức thuế ưu đãi đối với DNNVV. Tuy nhiên, ở các quốc gia này, thuế TNDN được đánh lũy tiến với các mức thuế suất cao hơn áp dụng đối với phần thu nhập chịu thuế ở mức cao. Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất 10% đối với 200 triệu Won chịu thuế đầu tiên, 20% đối với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu Won đến 20 tỷ Won, 22% đối với phần thu nhập chịu thuế trên 20 tỷ Won. Hà Lan áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 EUR thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 EUR...
Đề xuất ưu đãi thuế đối với DNNVV của Việt Nam
Cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật hỗ trợ DNNVV, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN phù hợp với DNNVV là rất cần thiết.
Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc mở rộng ngày 10/4/2017 về dự án Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DN, đa số các ý kiến trong Ủy ban đều cho rằng việc xác định DNNVV làm cơ sở áp dụng mức thuế suất thấp hơn theo tiêu chí doanh thu là phù hợp, đúng bản chất kinh tế.
Để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, phù hợp với thực tế quản lý, tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng, Bộ Tài chính đề nghị quy định: DN siêu nhỏ (là DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 200 người/năm; có tổng doanh thu năm từ 3 - 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.
Doanh thu làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của DN trong năm.
Ngoài ra, để tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, Dự thảo Luật quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với DN là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên (là tỷ lệ xác định DN có giao dịch liên kết tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ)...