Có thể điều chuyển vốn đầu tư công để “cứu” trái phiếu?

Diendandoanhnghiep.vn

Đã có doanh nghiệp lớn công bố kế hoạch tái cấu trúc để giải quyết vấn đề trái phiếu. Đây là phương án khả thi hơn là chờ đợi vốn khác, ví dụ như đầu tư công tham gia “giải cứu”.

Doanh nghiệp đang và sẽ phải chủ động tái cấu trúc để sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề bất ổn từ vốn nợ. Nguồn: Internet
Doanh nghiệp đang và sẽ phải chủ động tái cấu trúc để sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề bất ổn từ vốn nợ. Nguồn: Internet

Chủ động tự giải quyết

Việc chủ động tự giải quyết các vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp, theo kinh nghiệm từ thị trường được tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa FiinRatings vừa dẫn mới đây, là một yếu tố quan trọng cần được các nhà phát hành trái phiếu tại Việt Nam chú ý.

Bởi trên thực tế, nếu doanh nghiệp không chủ động mà ngồi chờ giải cứu, thì thời gian để đến hạn trả nợ trái phiếu áp sát rất nhanh. Bây giờ là những khoảng thời gian cuối cùng của khối lượng trái phiếu đáo hạn còn lại quý IV/2022, từ đây đến hết tháng 12. Hàng loạt doanh nghiệp đã chẳng đặng đừng phải cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn, cho thấy nỗ lực xử lý của doanh nghiệp trước yêu cầu của người sở hữu trái phiếu, theo quy định quyền của trái chủ (Nghị định 65/2022).

Tuy nhiên, điều này cũng đang tạo khó khăn lớn cho doanh nghiệp trong vấn đề nguồn vốn vì việc mua lại trước hạn là ngoài kế hoạch. Cũng đã có những doanh nghiệp không đủ khả năng để mua lại trái phiếu trước hạn, không đủ khả năng trải lãi theo kỳ hạn, giải quyết quyền lợi cho trái chủ. CTCP VKC Holdings, gần nhất nữa là CTCP CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex - cả hai đơn vị đều từng có dính líu đến ông Đỗ Thành Nhân, người đã bị khởi tố thao túng giá cổ phiếu trong năm 2022 - đều đã không thể trả lãi trái chủ đúng hạn. 

Sau nữa, liệu nối tiếp sẽ là doanh nghiệp nào khi sẽ có  khoảng hơn 21.000 tỷ đồng trái phiếu đến kỳ đáo hạn của hết tháng 12 năm nay, con số có vẻ nhẹ nhàng hơn; nhưng 2023 cũng lập tức liền đến với khối lượng trái phiếu đáo hạn của năm tới ước tính lên tới hơn 119 nghìn tỷ đồng?

Mới đây, một doanh nghiệp lớn đã chủ động lên kế hoạch đàm phán chuyển nhượng một phần vốn cho các đối tác, phát hành cổ phiếu để thực hiện và tái cơ cấu lại tập đoàn để giải phóng áp lực thanh khoản trái phiếu và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án địa ốc như cam kết. Đây là một tín hiệu tốt lành đối với doanh nghiệp khi sự chủ động có cơ sở để đạt hiệu quả ngoài mong đợi và qua đó giải phóng phần nào áp lực cho chính thị trường.

Có thể điều chuyển vốn đầu tư công hỗ trợ trái phiếu?

Về phía cơ quan quản lý, sau 17 văn bản thông báo khuyến nghị suốt thời gian qua, cơ quan quản lý trực tiếp của thị trường tài chính đã lắng nghe, bàn thảo đối thoại cùng với doanh nghiệp và trên tinh thần đã được Thủ tướng giao, sẵn sàng sửa Nghị định 65 cùng các quy định khác nếu cần để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.

Việc rà soát các nút thắt của Nghị định 65 và các quy định khác nếu có, cần sát sao và rốt ráo nhất có thể, tránh kéo dài với nhiều “version” như trường hợp dự thảo Nghị định 65 ở thời gian qua. Vì thời gian chờ đợi các quy định cũng là vấn đề khá “xa xỉ” với nhà đầu tư và nhà phát hành lúc này.

Có một số ý kiến gần đây cho rằng cũng cần giải phóng vốn ngân sách đầu tư công tại ngân hàng, có thể sử dụng một phần lập quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tương tự như quỹ bình ổn trái phiếu của Hàn Quốc hay quỹ cứu trợ dự án và doanh nghiệp bất động sản mới đây của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã và đang rất mong đợi vào khả năng hiện thực hóa của đề xuất này.

Tuy nhiên, chúng ta nhớ rằng vốn đầu tư công là theo kế hoạch được Quốc hội giao. Thay đổi sẽ phải được Quốc hội cho phép. Ngoài ra, xét các đối tượng đầu tư công theo Luật đầu tư công, sẽ rất khó để sử dụng vốn công hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân không thuộc đối tượng chính sách.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khốc liệt, vốn đầu tư công đã có sự điều chuyển rất linh hoạt. Nhưng sự điều chuyển từ dự án chậm giải ngân, sang dự án giải ngân nhanh, hiệu quả, là sự cần thiết và vẫn đảm bảo trong quy định về đối tượng đầu tư công. Việc “giải cứu” trái phiếu theo cách thức Quỹ bình ổn của Hàn Quốc đòi hỏi một quỹ ngân sách tích lũy sẵn, hay một chương trình chủ động mua trái phiếu doanh nghiệp của Fed (Mỹ), nó hoàn toàn khác với việc sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp tư nhân. Hơn thế, các nhà quản lý đã thông điệp rõ ràng doanh nghiệp phát hành, tự chịu trách nhiệm, tự vay tự trả theo đúng thông lệ quốc tế. 

Trong những trường hợp mà phương án “giải cứu” có thể tính đến nhưng bất khả thi, doanh nghiệp cũng rất cần được xác định để quay lại có sự chủ động, tự thân vận động. Doanh nghiệp trên hết phải xác định tự “giải cứu” chính mình.

 

Luật Đầu tư công quy định tại Điều 5 về đối tượng đầu tư công:

* Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.

* Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

* Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.

* Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

* Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

* Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư đối với đối tượng quy định tại khoản này.

Theo Nguyễn Lê Ngọc Hoàn/diendandoanhnghiep.vn