“Cởi trói” xuất khẩu gạo góp phần tăng thu NSNN
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Theo đó, Nghị định 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10 tới đây đã bãi bỏ nhiều điều kiện xuất khẩu gạo tạo bước tiến mạnh mẽ về cải cách hành chính, văn bản này được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội cho xuất khẩu gạo. Do đó, xuất khẩu gạo được dự báo sẽ sôi động hơn từ quý 4 năm nay, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp với chủng loại gạo đa dạng hơn.
Nghị định này quy định về kinh doanh xuất khẩu thóc, gạo các loại; không điều chỉnh các hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh, gia công gạo cho nước ngoài; hoạt động xuất khẩu phi mậu dịch, viện trợ, biếu, tặng gạo. Đồng thời, Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp theo quy định của Luật thương mại; các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quản lý, điều hành xuất khẩu gạo và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Về xuất khẩu gạo, Nghị định đã đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với đăng ký hợp đồng, kê khai trên mạng, luân chuyển đầu mối trong đấu thầu gạo; đồng thời, quy định chỉ còn 5% hàng lưu trữ trong kho.
Đặc biệt, doanh nhiệp không còn bị trói trong các ràng buộc về kho chứa hay cánh đồng lớn như trước đây mà thay vào đó họ phải thực sự là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với những hợp đồng cụ thể và sẽ mở rộng thêm thị trường để tìm thêm khách hàng từ những nước khó tính như châu Mỹ, tiếp tục hướng đến thị trường châu Âu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Nghị định đã đảm bảo đổi mới, hoàn thiện về thể chế, khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu gạo theo hướng kiến tạo, minh bạch, hiệu quả, tạo thuận lợi thông thoáng, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, đối với quyền kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo.
Nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận và thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định này; các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.