Cơn sốt đất Đà Nẵng: Người dân mạo hiểm, tiền rơi túi giới "đầu cơ"
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt – Đoàn luật sư Đà Nẵng cho rằng, giữa cơn sốt đất tại Đà Nẵng, với những người dân thực sự muốn đầu tư hay mong muốn tìm chỗ định cư, sẽ đối diện với nhiều rủi ro khi giá đất bị đẩy lên cao. Trong khi đó, việc kiếm lời từ bất động sản tại đây đa phần rơi vào túi giới “đầu cơ” và “cò”.
Luật sư Anh Phiệt phân tích, cơn sốt đất tại một nơi đến từ hai yếu tố: Thứ nhất là nguồn tiền (hay tài sản) đang có trong dân khá nhiều, trong khi các kênh sinh lời khác không bằng việc đầu tư vào bất động sản. Việc giao dịch được thực hiện nhanh chóng trong ngày, mức sinh lời có khi là rất cao của việc buôn bán đất càng trở nên hấp dẫn đối với người dân, các nhà đầu tư.
“Bên cạnh đó, thực tế xảy ra là đối tượng đầu tư để sinh lời nhiều hơn là để ở, định cư. Chính vì sự chênh nhau đó dẫn nên cơn sốt xảy ra như đã thấy. Một số đô thị lớn trên thế giới vẫn xảy ra các “cơn sốt”, thậm chí nóng rực như núi lửa, đó là tính một mặt của thị trường” – ông Phiệt nói về nguyên nhân thứ 2.
Tuy nhiên, khi nhìn về Đà Nẵng, ông Phiệt cho rằng, cơn sốt đất thời gian qua dường như không phải từ thị trường như đã nêu trên mà nó xuất hiện từ một phần do giới đầu cơ tạo nên thì đúng hơn. Điều này tạo nên việc giá trị của quyền sử dụng đất lớn hơn nhiều so với giá trị thực vốn có của nó.
Ông Phiệt phân tích: “Giới đầu cơ có sẵn nguồn lực tài chính, sẵn sàng “mua” đứt luôn một dự án. Giá trị lúc đầu là đúng giá thị trường, nhưng ngay sau đó, bằng một chiến thuật bài bản, họ bắt đầu bán ra 1/10 số lượng sản phẩm, rồi sẵn sàng bỏ tiền để thu gom chính 1/10 sản phẩm đó với giá cao hơn 100% hoặc 150% giá trị lần bán ra đầu tiên.
“Nghe” được tin đất lên cao, thị trường bắt đầu nóng dần. Giới đầu cơ bắt đầu bán ra với các phân khúc nhỏ lẻ mà mặt bằng giá được giới “cò” con đã tạo lập ra ở giai đoạn một. Các cơn sốt theo chu kỳ “bán ra” của giới đầu cơ lần lượt xác lập các kỷ lục về giá. Giá sau cao hơn giá trước và bỏ xa giá trị thực ban đầu. Cứ như thế, trong quá trình đó đã thu về một mức lời đủ lớn để khuynh đảo thị trường”.
Điều này dẫn đến việc, để có một quyền sử dụng đất, người dân “chạy theo” cơn sốt này mà phải cầm cố tài sản hiện đang có để nhận một hoặc nhiều lô đất như một kiểu “để dành” thì người đó đang mạo hiểm với chính mình.
“Các cơn sốt dẫn người mua kế tiếp phải trả một phần giá trị cao hơn người mua trước, và chính họ lại mong chờ một mức sinh lời khi có người mua tiếp theo. Sự ham lợi sẽ dẫn kẻ cuối cùng đến bờ vực.
Chính vì vậy, người mua cần có những nhận định đúng về giá trị của lô đất. Ham lợi dẫn đến nhà nhà buôn đất, người người buôn đất thì hậu quả xảy ra với người cuối cùng trên ngọn sóng là có thực. Cơn sốt đi qua, người người trở về với thực trạng. Giá đất quá cao, người mua không có hoặc không chi trả nổi thì người cuối cùng phải "ôm đủ"” – ông Phiệt chia sẻ.