Công cụ kế toán đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công
(Tài chính) Để thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công bảo đảm việc sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài chính tiềm năng từ tài sản công, Nhà nước đã và đang sử dụng nhiều công cụ quản lý, trong đó, kế toán công được xem là công cụ quan trọng hàng đầu trực tiếp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN); chế độ kế toán hiện hành thực hiện theo quy định tại Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 và Thông tư 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính. Mục đích kế toán theo quy định tại Quyết định này là theo dõi, phản ánh tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại đơn vị. Dựa trên nguyên tắc kế toán tiền mặt nên thông tin báo cáo đầu ra hiện tại chỉ phản ánh số liệu quyết toán NSNN, tình hình quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại đơn vị từng năm. Thông tin về tài sản công ở từng đơn vị trong Bảng tổng kết tài sản hiện hành, chỉ có thông tin về tổng nguyên giá tài sản cố định và tổng giá trị còn lại của tài sản cố định.
Nghiên cứu rà soát hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam cho thấy, chưa có văn bản nào đặt ra yêu cầu phải lập Báo cáo tài chính nhà nước ở mỗi cấp ngân sách (cấp Chính phủ và Chính quyền địa phương các cấp). Vì thế, Kế toán công hiện hành còn một số hạn chế, đó là:
(1) Chưa tổ chức thực hiện lập và trình bày Báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, báo cáo tài chính nhà nước của từng cấp chính quyền địa phương;
(2) Chưa tổ chức một bộ máy kế toán chuyên trách ở cấp Chính phủ, từng cấp chính quyền địa phương để tiếp nhận, phân loại và tổng hợp các thông tin tài chính nhà nước, phục vụ việc cung cấp thông tin để phân tích, sử dụng trong điều hành và tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế.
Trong khi kinh tế thị trường yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cấp ngân sách từ trung ương đến cơ sở, cần phải nắm chắc thông tin về nguồn lực tài chính hiện có của mình (bằng tiền và nguồn tài chính tiềm năng từ tài sản công), để có giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo mang lại hiệu quả chi tiêu công cao nhất.
Thực tế tổ chức điều hành hoạt động tài chính ngân sách thời gian qua, Bộ Tài chính đã áp dụng thành công nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật, tổng hợp thông tin phục vụ công tác quản lý như:
(1) Các phần mềm để thực hiện quản lý nhà nước về tài sản công theo vòng đời tài sản, ở tất cả các khâu: đầu tư, xây dựng, mua sắm; sử dụng theo tiêu chuẩn định mức; thu hồi, điều chuyển; bán; thanh lý, tiêu hủy tài sản theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
(i) Chương trình Quản lý đăng ký tài sản nhà nước, áp dụng đối với 4 loại tài sản (nhà, đất trụ sở, xe ô tô và tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên) từ năm 2009;
(ii) Chương trình Quản lý tài sản nhà nước là Công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn từ 2013;
(iii) Chương trình Quản lý tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, áp dụng cho nhóm tài sản cố định có nguyên giá dưới 500 triệu, từ 2014.
(2) Các phần mềm để quản lý chi tiêu kinh phí NSNN: IMAS, MISA, MIMOSA.Net, DAS, KTXA,... đặc biệt là Hệ thống thông tin quản lý ngân sách TABMIS đang vận hành tại Kho bạc Nhà nước.
Mặc dù vậy, dưới góc độ tài chính nhà nước đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có Hệ thống nào quản lý tập trung các thông tin tài chính để tổng hợp, cung cấp và phân tích một cách đầy đủ, phù hợp và có hiệu quả về tổng tài sản và nguồn lực tài chính nhà nước, tình hình hoạt động tài chính của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.
Từ lý luận và thực tiễn của các nước phát triển cho thấy, Tổng kế toán nhà nước (TKTNN) là giải pháp có hiệu quả cao nhất giúp cho Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương thực hiện lập Báo cáo tài chính của mình.
Ở Việt Nam, chức năng TKTNN (Kế toán công) lần đầu tiên đã được quy định tại Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng đã giao cho Kho bạc Nhà nước xây dựng và vận hành hệ thống thông tin tài chính nhà nước của Chính phủ và từng cấp chính quyền địa phương.
TKTNN là mô hình tổ chức, vận hành các yếu tố cấu thành nên Kế toán nhà nước, nhằm mục tiêu tổ chức công tác hạch toán kế toán, ghi chép, cập nhật, tổng hợp và trình bày thông tin báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ (trên phạm vi cả nước) và báo cáo tài chính của chính quyền địa phương theo địa bàn. Các nguyên tắc ghi chép và tổng hợp thông tin báo cáo tài chính nhà nước, một mặt bảo đảm phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kế toán công, mặt khác phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Phạm vi của Báo cáo TKTNN là toàn bộ thông tin về tài chính nhà nước bao gồm: tài sản của nhà nước, nguồn lực và nghĩa vụ của nhà nước, các thông tin về ngân sách, các quỹ ngoài ngân sách, vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp...
Mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống kế toán nhà nước thống nhất, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo yêu cầu quản lý ngân sách và tài chính công nhằm ghi hận, tổng hợp và trình bày hệ thống thông tin tài chính nhà nước dưới hình thức báo cáo tài chính của Chính phủ và từng cấp chính quyền địa phương đảm bảo kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch phù hợp thông lệ quốc tế.
Để phù hợp với điều kiện Việt Nam, mục tiêu tổng quát nêu trên cần chia ra để thực hiện theo lộ trình với những mục tiệu cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể như sau:
Thứ nhất, đến hết năm 2015, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu:
(i) Hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện chức năng TKTNN. Mục tiêu này đặt ra yêu cầu, cần sớm đưa nội dung về TKTNN vào các dự án mà Bộ Tài chính đang chủ trì thực hiện sửa đổi gồm: Luật Ngân sách sửa đổi, Luật Kế toán sửa đổi và Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi. Theo phương án này, các nội dung: về chức năng TKTNN, trách nhiệm lập báo cáo quyết toán NSNN, nghĩa vụ lập báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, mở rộng phạm vi tài sản nhà nước theo quy định của Hiến pháp 2013, cũng như quyền và nghĩa vụ của Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng, khai thác và báo cáo để tổng hợp vào Báo cáo tài chính của mình cần được luật hóa;
(ii) Tổ chức công tác kế toán tại các đơn vị kế toán nhà nước bảo đảm có hiệu quả phù hợp với điều kiện tổ chức bộ máy hành chính, phù hợp với quản lý cơ chế tài chính – ngân sách, trên cơ sở phân định rõ chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính nhà nước;
(iii) Triển khai xây dựng hệ thống tông tin tài chính theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm cho việc tổng hợp được nhanh chóng, chính xác, kịp thời đẩy đủ các thông tin về tài chính nhà nước.
Thứ hai, từ năm 2016 đến năm 2020 tổ chức triển khai TKTNN trên phạm vi cả nước để đạt mục tiêu TKTNN đưa ra các báo cáo:
(i) Báo cáo tài chính của Chính phủ (cũng như từng cấp chính quyền địa phương), cung cấp thông tin về số liệu hiện có cũng như sự biến động nguồn lực so với kỳ trước của toàn bộ tài sản và nguồn hình thành tài sản nhà nước;
(ii) Báo cáo tài chính của Chính phủ (cũng như từng cấp chính quyền địa phương), phản ánh thông tin đánh giá hiệu quả điều hành NSNN, kết quả hoạt động thu chí NSNN và các hoạt động khác trên cơ sở dồn tích trong một năm tài chính (phù hợp với năm tài chính ngân sách);
(iii) Báo cáo tình hình biến động tài sản công (bao gồm tất cả các loại tài sản công đã quy định tại Hiến pháp 2013) của Chính phủ (cũng như từng cấp chính quyền địa phương), phản ánh dưới hình thức giá trị và hiện vật nhằm chỉ ra chênh lệch giữa tổng tài sản công hiện có và nghĩa vụ phải trả của nhà nước... để có đánh giá đúng thực chất tiềm năng tài chính của nhà nước;
(iv) Báo cáo lưu chuyển luồng tiền của Chính phủ (cũng như từng cấp chính quyền địa phương), phản ánh dòng tiền thuộc NSNN cùng với các thông tin vậnđộng của luồng tiền tại các đơn vị... phục vụ các chính sách tiền tệ và điều hành ngân quỹ...
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 8 – 2014