“Cộng hưởng” chính sách tài khoá và tiền tệ giúp kinh tế phục hồi

Theo Thanh Nguyễn/haiquanonline.com.vn

Ngày làm việc đầu tiên trong đợt 2, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, tập trung thảo luận tại hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng để phục hồi kinh tế cần "cộng hưởng" chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, thúc đẩy hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 8/11/2021. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 8/11/2021. Ảnh: quochoi.vn

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đánh giá, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát giới hạn ở mức độ cho phép, tránh gây xáo trộn nền kinh tế. Đây được coi là “chìa khóa” thành công có tính nền tảng.

“Ngoài ra, cần tháo gỡ mọi vướng mắc trong giải ngân đầu tư công-lĩnh vực còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng nhưng cũng đang đứng trước nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và có chính sách hợp lý để tăng thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài...”, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) phân tích, khác với các nước trên thế giới, ở nước ta, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp (DN) chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng cho nên hàm chứa nhiều rủi ro. Báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, cho nên biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự "cộng hưởng" giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố, đến nay nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh đã gần 100.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, ngân sách nhà nước thời gian qua đã phải căng ra chi cho chống dịch. Do đó, vị đại biểu tỉnh Đồng Nai đề nghị cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, chống thất thu nợ đọng thuế, chuyển giá, chống gian lận thương mại. Đặc biệt, cần phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm các khoản chi, trong đó tiết kiệm ngay từ khi lập dự toán giao và thực hiện dự toán.

“Trong lúc này, chúng ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’, cùng với đó cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực xã hội từ người dân và hoạt động kinh tế; triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ nhằm tháo gỡ các khó khăn giúp cho DN giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; có các chính sách hỗ trợ trực tiếp để không xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Cần cơ chế đặc thù thúc đẩy kinh doanh

Nhiều đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận dành sự quan tâm đặc biệt cho các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Cà Mau) đề nghị Chính phủ thời gian tới chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, cải cách thủ tục, quy trình để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời, nhất là các chính sách về tín dụng. Có như vậy, DN mới có thể phục hồi, thoát khỏi nguy cơ phá sản, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và kích thích nền kinh tế phát triển ổn định.

Ở góc độ này, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm, để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế, thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư toàn xã hội.

Cũng dành nhiều quan tâm cho vấn đề hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá: DN là “linh hồn” của nền kinh tế, nhưng thực tế sự quan tâm thời gian qua vẫn chưa đủ. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của DN và người dân. DN vẫn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.

“Vai trò của ngân hàng đối với các DN cần phải đánh giá kỹ hơn, nhất là khi đầu vào cho hoạt động của các DN đang có xu hướng tăng. Cùng với đó cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho hệ thống DN”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.