Tỉnh Khánh Hòa:
Kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tạo tiền đề thực hiện kế hoạch năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Cần ban hành các chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay, dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Toàn tỉnh đang thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình, từng bước đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Chính quyền các cấp tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ. Nội dung các kiến nghị trên nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào ban hành chính sách, hỗ trợ khôi phục sản xuất và phát triển công nghiệp.
Trong đó, tỉnh mong Chính phủ sớm ban hành các chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 như: Cho phép DN dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày; gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đối với các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang khai thác khoáng sản.
Trong lĩnh vực tài chính, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí; giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế.
Ngoài ra, xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn và giảm đóng kinh phí công đoàn tại DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022; giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác; miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định.
Khôi phục sản xuất, kinh doanh
Về phát triển du lịch, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép tỉnh nghiên cứu, xây phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin bằng các chuyến bay charter đến tỉnh; xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.
Nhằm kết nối lại thị trường khách du lịch đến các địa phương, tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ địa phương trong việc mở các đường bay đến các thị trường sau khi đã kiểm soát dịch. Ngoài ra, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Du lịch; có hướng dẫn về phương thức quản lý, vận hành, khai thác một số hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch mới phát sinh; ban hành quy định và làm rõ mô hình quản lý khu du lịch quốc gia để có cơ sở thực hiện tốt và hiệu quả công tác quản lý, phát triển đối với Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh…
Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh Khánh Hòa đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu bổ sung Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong vào nhóm các KKT ven biển được ưu tiên đầu tư.
Đồng thời, sớm xem xét, bổ sung quy hoạch 4 dự án nhà máy điện khí tại 4 địa điểm thuộc khu vực phía nam KKT Vân Phong với tổng công suất khoảng 15.000MW và 1 dự án kho cảng đầu mối LNG với công suất khoảng 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu. Việc triển khai quy hoạch này nhằm tạo động lực phát triển cho KKT Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung phát triển đúng định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Song song đó, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; có cơ chế về rà soát quy hoạch rừng trong các khu chức năng của KKT để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển chung.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Chính phủ cho tổ chức thực hiện hợp phần dự án cao tốc phía đông, đoạn qua địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 (đoạn Vân Phong - Nha Trang) theo hình thức đối tác công tư có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước để chủ động thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, cân đối ngân sách địa phương và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án…
Ngoài ra, trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xuất nhập khẩu, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ giới thiệu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của địa phương tiêu thụ tại các thị trường trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh công tác xúc tiến, phát triển các thị trường trọng điểm, tiềm năng để có thêm thị trường tiêu thụ mới…