"Công nghệ hóa" dữ liệu đất đai để chặn "sốt giá"
Bất chấp sự biến động, tình trạng "sốt ảo" vẫn bùng lên ở nhiều nơi mỗi khi có thông tin quy hoạch được tung ra. Để ngăn chặn, các bộ ngành, địa phương đã và đang đẩy mạnh xây dựng kho thông tin, dữ liệu nhà đất trên nền tảng trực tuyến nhằm minh bạch hóa thị trường.
Việc TP. Hồ Chí Minh vừa công bố nền tảng dữ liệu đất đai trực tuyến đang tạo ra sự quan tâm đặc biệt cho cả người dân và nhà đầu tư. Với nền tảng này, người dân và doanh nghiệp có thể xem dữ liệu phân khu, diện tích, quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất... trên toàn thành phố.
Minh bạch thị trường
Cụ thể, theo ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh, nền tảng này gồm Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh (geodata-stnmt.tphcm.gov.vn) và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên môi trường (esb-stnmt.tphcm.gov.vn).
Bộ nhớ của nền tảng là nơi lưu trữ, chia sẻ 450 tệp dữ liệu tài nguyên và môi trường của toàn thành phố, gồm nhiều thông tin như phân khu, diện tích đất, quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất, độ cao mặt đất, tốc độ lún... Sắp tới, dữ liệu thông tin giá đất cũng sẽ được cập nhật.
“Trước đây, các dữ liệu này chưa được đăng tải trực tiếp, khi muốn khai thác, các đơn vị phải gửi văn bản yêu cầu. Nhưng nay, người dân có thể truy cập trực tuyến miễn phí, còn cơ quan nhà nước được cấp tài khoản để lấy dữ liệu theo nhu cầu”, ông Sơn cho biết.
Trước khi nền tảng dữ liệu đất đai của TP. Hồ Chí Minh được công bố, vào trung tuần tháng 7/2022, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã công bố một công cụ trực tuyến cung cấp thông tin giúp người dùng có thể sàng lọc thông tin để tìm dự án phù hợp tùy theo các tiêu chí về vị trí, khoảng giá, tiện ích, năm bàn giao, loại hình căn hộ...
Theo OneHousing, đơn vị xây dựng dự án, công cụ này được kết hợp dữ liệu giao dịch nhà ở với các nguồn dữ liệu và thông tin chính thống từ Tổng cục Thống kê, Sở xây dựng, Sở quy hoạch và kiến trúc, Sở kế hoạch và đầu tư. Cùng với đó là thông tin của các tổ chức chuyên môn quốc tế như World Bank, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các báo cáo riêng về lĩnh vực bất động sản từ CBRE, Savills và JLL...
Dự kiến đến cuối năm, khi dự án được hoàn thiện, người dùng có thể chủ động tra cứu thông tin bất động sản nhà ở trên toàn quốc với kho dữ liệu khoảng 1.000 dự án.
Có thể thấy, sau thời gian dài chứng kiến sự bất ổn của thị trường, những cơn sốt đất “điên rồ” xảy ra, các ban ngành chức năng và địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng các nền nảng trực tuyến, công cụ tìm kiếm nhằm minh bạch thị trường.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay đang có tình trạng thiếu thông tin chính thống về thị trường bất động sản. Trước mỗi giao dịch, người có nhu cầu thường gặp phải nhiều thông tin không rõ tính xác thực, thậm chí bị bóp méo, dẫn đến tình trạng mất tiền oan.
Vì vậy, việc xây dựng các nền tảng dữ liệu sẽ giúp người mua nhà có nguồn thông tin chính thống và những đánh giá khách quan để so sánh các lựa chọn. Người bán nhà cũng cần có bức tranh tổng quan về bất động sản trong khu vực, thậm chí là giá bán căn hộ trung bình trong khu vực, hỗ trợ định giá.
Công cụ “trị” sai phạm?
Ông Vũ Chí Kiên, Phó chủ tịch quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh), nhận định việc xây dựng các “ngân hàng” dữ liệu trực tuyến về nhà ở, đất đai là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để ngăn chặn sốt đất, đầu cơ, đồng thời giám sát trật tự xây dựng tại địa phương.
“Đơn cử, trong một khu vực vốn không có công trình nhưng bỗng lại xuất hiện dù chưa cấp phép, thì địa phương có thể căn cứ vào đây để kiểm tra sai phạm bằng cách so sánh hình ảnh viễn thám các thời điểm khác nhau để thấy sự thay đổi của nhà cửa, rà soát quy hoạch”, ông Kiên dẫn chứng.
Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, việc công khai dữ liệu trên các trang thông tin trực tuyến cũng đang được nhiều tỉnh, thành khác thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng tung tin đồn, thổi giá đất.
Điển hình, các đây không lâu, thông tin cụ thể về 28 dự án chưa được phép chuyển nhượng, chưa được phân lô bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở… được Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc chính thức công bố trên trang thông tin điện tử và phổ biến đến tận cấp xã, phường.
Ông Lê Đức Thế, Trưởng phòng Quản lý nhà, Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, cho biết việc công khai thông tin về các dự án bất động nhằm giúp người dân có thể tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư, hạn chế rủi ro, tranh chấp pháp lý trong tương lai. Đồng thời, cũng giúp thị trường tỉnh phát triển bền vững.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, anh Lê Minh Khôi (Hà Nội) chia sẻ những năm qua, trong quá trình tìm kiếm các sản phẩm nhà đất, hầu hết các nhà đầu tư đều phải tìm kiếm các thông tin quy hoạch, thị trường trên mạng. Rất ít người có đủ quan hệ để tiếp cận các thông tin chính thống.
“Khi tìm thông tin quy hoạch trên mạng thì phải chấp nhận khả năng sai lệch, thiếu chính xác có thể dẫn tới những hậu quả lớn. Còn khi đến cơ quan chính quyền để hỏi quy hoạch thì phải có quan hệ hoặc không thì phải làm thủ tục yêu cầu theo trình tự khá rắc rối", anh Khôi nói.
Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, theo chuyên gia, việc công khai, minh bạch hóa dữ liệu nhà đất, thông tin quy hoạch dựa trên các nền tảng số là điều vô cùng quan trọng, cần đẩy mạnh hơn nữa. Khi được hoàn thiện, các cơ sở dữ liệu sẽ là điểm tựa để thị trường bất động sản phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi của người dân.