Đất đai - tài sản đặc biệt, cần quản lý đặc biệt
Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.
Từ khi đổi mới, nền kinh tế Việt Nam có bước tiến thần kỳ. Kể từ ngày ra đời, chưa bao giờ đất nước ta phồn vinh, vị thế quốc tế được nâng cao như bây giờ. Cơ sở hạ tầng, đường xá, cầu cống, sân bay, bến cảng đã, đang và sẽ thêm hoàn thiện, mở rộng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân, sự phát triển tiến bộ của kinh tế, văn hóa, xã hội.
Câu nói của thời bao cấp “ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu” không còn phù hợp. Nhu cầu sử dụng chỗ ở rộng rãi, đầy đủ tiện ích đang là mục tiêu của rất nhiều người. Đây là nhu cầu chính đáng tạo đòn bẩy thúc đẩy xã hội đi lên.
Để phát triển kinh tế cần xây dựng nhà máy, kho tàng, bến bãi, đường sá, cầu cống, các khu đô thị, nghỉ dưỡng, dân cư đều cần sử dụng đất. Do vậy càng phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng… thì quỹ đất càng ngày thu hẹp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất"; nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai".
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hội nghị ghi nhận bước tiến bộ về nông nghiệp, cơ giới hóa giúp cho năng suất các sản phẩm nông nghiệp tăng cao. Từ nước thiếu trầm trọng lương thực, thực phẩm, có thời phải nhập hạt mạch, hạt bo bo về ăn thay cơm…; đến nay Việt Nam vươn lên thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Xuất khẩu nông sản với các mũi nhọn như hạt điều, trà, cà phê, đỗ tương, sắn, rau, củ. quả... với sản lượng lớn thu về 48.6 tỷ đô la Mỹ, dù trong hoàn cảnh khó khăn biến động vì dịch bệnh COVID-19 như năm 2021.
Kết quả đó minh chứng cho sự đúng đắn về đường lối, chỉ đạo của Đảng và nhà nước trong thời gian qua. Bên cạnh thành quả, thành tựu thì lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều nơi sử dụng tài nguyên đất lãng phí, hiệu quả thấp, vẫn còn đó các trường hợp câu kết “lợi ích nhóm”, phù phép biến hóa những “lô đất vàng, lô kim cương” của nhà nước thành tài sản cá nhân.
Đất đai được sử dụng đúng mục đích là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi Luật Đất đai năm 2013 chưa theo kịp tình hình phát triển, chưa có khả năng đi trước đón đầu, tạo hàng rào pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý đất đai, dẫn đến số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai ngày nhiều,phức tạp. Công tác định giá, đền bù, giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo khách quan, công bằng, dẫn đến sự búc xúc của người dân, việc kiện cáo, tranh chấp đất đai diễn ra từ gia đình cho đến các đơn vị, cơ quan.
Các quy định, nghị định dưới luật kiểu “luật con” kèm quy định của chính quyền địa phương về đất đai gây hiểu nhầm, chồng chéo, mâu thuẫn, nảy sinh tình trạng “trung ương gật, địa phương lắc, cán bộ ậm ờ”.
Có giai đoạn sốt đất bùng phát từ thành thị đến nông thôn, miền núi, cò đất giăng bạt, diễn kịch, mua bán đất đai như mua viên kẹo, sang tay, lướt sóng, lướt đầu cọc…, gây nhiễu loạn thị trường, giá đất không còn cơ sở nào làm gốc để phân định. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp ồ ạt đổ vào bất động sản, chứng khoán tìm nơi sinh lời, trú ẩn an toàn.
Đến nay, dịch bệnh giảm bớt cùng việc “thích ứng với tình hình mới, linh hoạt, an toàn” dòng tiền sẽ quay lại vòng quay sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất thực.
Trên cơ sở đó, hy vọng Hội nghị Trung ương 5, lần thứ XIII lần này sẽ đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng bức xúc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý: “Chẳng hạn như nhận thức như thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất”.
Chúng ta cùng theo dõi và tin tưởng dưới sự điều hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, và sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…, việc quản lý tài sản đặc biệt - đất đai - sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới 2030 đến 2045.