Công nghệ số: Xu hướng tất yếu của ngân hàng Việt
Mặc dù đã có bước phát triển mạnh với việc cho ra đời các dịch vụ trực tuyến internet banking, SMS banking và mobile banking...song, nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng số (Digital Banking) mới chính là tương lai của ngành ngân hàng.
Lý giải về điều này, ThS Đàm Nhân Đức - Giám đốc nghiên cứu phát triển Ngân hàng TMCP Quân đội cho biết, so với dịch vụ ngân hàng điện tử (E-Banking bao gồm các dich vụ internet banking, SMS banking, mobile banking), digital banking có sự khác biệt cơ bản bởi quá trình này được diễn ra thông qua các thiết bị số kết nối với các phần mềm máy tính trên môi trường mạng Internet. Theo đó, khách hàng không phải đến ngân hàng, phía ngân hàng cũng không phải gặp khách hàng để thực hiện các giao dịch (ký chứng từ, hoàn thiện hồ sơ,…).
Trên thế giới hiện có 5 ngân hàng được xem là ngân hàng số hàng đầu là Citybank, Bank of American, Wells Fargo, Cipital One và Chase. Các kênh số mà những ngân hàng này cung cấp cho khách hàng bao gồm: kênh mobile banking, kênh mibile text banking, kênh tablet banking, online banking. Trong đó, mobile banking được xem là xu hướng dẫn đầu với số người sử dụng toàn cầu là 0,8 tỷ người (năm 2014). Tuy nhiên theo dự báo của Juniper Research (công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu và phân tích công nghệ) số lượng này có thể tăng đến 1,8 tỷ vào năm 2019 và tốc độ tải ứng dụng đạt 60% số cơ sở khách hàng tại hầu hết các khu vực. Tiếp đến là internet banking với 92% số người (16.000 người) sử dụng các dịch vụ ngân hàng ở 13 thị trấn châu Á năm 2014 lựa chọn. Tại các thị trường mới nổi, số người sử dụng internet banking cũng đã tăng từ 10% năm 2011 lên 28% vào năm 2014, tiếp cận qua điện thoại thông minh tăng từ 5% lên 26% trong 3 năm qua. Còn theo ước tính của Công ty tư vấn McKinsey, hiện nay tại châu Á có tới 700 triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến và con số này sẽ tăng tới khoảng 1,7 tỷ người vào năm 2020.
Tại Việt Nam, người dân cũng có xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến khi hiện tại đã có 50% khách hàng; 54% khách hàng dùng ATMs; 36% khách hàng dùng mobile banking, chỉ có 22% khách hàng sử dụng dịch vụ trực tiếp tại chi nhánh và phòng giao dịch. Tuy nhiên, với mô hình digital banking thì mới ở mức sơ khai. Theo đó, mặc dù mô hình Vpbank Timo( Timo.vn) đã được sử dụng như dịch vụ cơ bản thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp khách hàng chủ động và tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, nhưng vẫn chưa được coi là 100% digital banking, vì khách hàng vẫn phải tới trụ sở của Timo để mở tài khoản và khi có thay đổi về tài khoản. Ngay cả Vietcombank digital lab mới ra mắt mới đây (cuối tháng 3/2016) cũng chỉ được coi là bước khởi động, chuẩn bị cho bước tiếp theo thực hiện số hóa ngân hàng.
Như vậy, có thể thấy, dù xu hướng ngân hàng công nghệ đã lan đến Việt Nam, nhưng mức độ số hóa ngân hàng Việt Nam vẫn sơ khai, tốc độ còn chậm. Vì thế, để hòa vào xu hướng ngân hàng số một cách phù hợp, ThS Đàm Nhân Đức cho rằng, ngoài nỗ lực của các ngân hàng thương mại, cần có sự quan tâm hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc kiện toàn hành lang pháp lý, sớm hoàn thiện môi trường chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng nhanh công nghệ số trong hoạt động ngân hàng. Theo hướng này, NHNN cần sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản pháp lý, quy trình nghiệp vụ phù hợp với Luật Giao dịch Điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động điều hành quản lý.
Đối với các NHTM, các chuyên gia khuyến nghị cần hợp tác với các công ty Fintech (tài chính kết hợp công nghệ) để xây dựng mô hình kinh doanh đột phá thông qua ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí.