Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quá trình tất yếu để phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhất trí với các ý kiến cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Ngày 5/8, tại TP. Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” phối hợp với Thành uỷ Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Sau các phiên trao đổi, thảo luận, đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu kết luận Hội thảo.
Theo đó, đồng chí cho biết: Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII vào tháng 10 tới là Đề án có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta để thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, đó là đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tại Hội thảo, theo đồng chí, qua nghiên cứu 59 bài tham luận đăng Ký yếu, 05 báo cáo chính và ý kiến trao đổi của 80 diễn giả tại phần thảo luận cho thấy các báo cáo, tham luận đã phản ánh sát những vẫn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH), góp phần thiết thực, hữu ích phục vụ cho việc hoàn thiện Đề án.
Đối với phát triển ngành dịch vụ, đồng chí Trần Tuấn Anh lưu ý, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao”, trong đó nêu rõ một số loại dịch vụ cần tập trung ưu tiên phát triển như du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ - thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý,... cần hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ văn hóa, thể thao, dịch vụ thương mại,... chú trọng tổ chức cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu CNH - HĐH. Kết quả đánh giá CNH - HĐH giai đoạn vừa qua đã cho thấy cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao. Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,379%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%). Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống.
“Thực tế các tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, để xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện CNH- HĐH đất nước trong thời gian tới”- đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin. Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác theo hướng chú trọng dịch vụ ngân hàng số; xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững.
Phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, đặc biệt cần chú trọng và phát triển có hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm và an sinh xã hội. Đẩy nhanh chuyển đổi số ngành y tế, phát triển dịch vụ hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số... cùng với thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực dịch vụ đời sống xã hội.
Tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên.
Trên cơ sở những vấn đề đặt ra, đồng chí Trần Tuấn Anh nhất trí với các ý kiến cho rằng CNH - HĐH là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh nội dung quan trọng mà Hội thảo đã nhận định, đó là mô hình CNH-HĐH đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Theo đó, CNH - HĐH cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ CNH - HĐH cũng là sự nghiệp toàn dân.
Đồng chí cũng khẳng định vấn đề quan trọng mà Hội thảo rất quan tâm là không đồng nhất CNH với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới. Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình CNH - HĐH; để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, cần phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; cần quan tâm xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành.
Phát triển ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong thời gian tới cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo để thực hiện thắng lợi chủ trương tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; chú trọng tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục số, đặc biệt là đại học số trên cơ sở ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập để thúc đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, đồng thời quan tâm phát triển con người toàn diện gắn xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ văn hóa trong bối cảnh, điều kiện mới để tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội.