Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Công tác tài chính - ngân sách đã được điều hành chặt chẽ, hiệu quả

PV. (Tổng hợp)

Đó là đánh giá của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong báo cáo thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 12/10/2017.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên họp. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên họp. Nguồn: internet
Báo cáo của Chính phủ về tình hình ngân sách năm 2017 cho thấy ước tổng thu NSNN cả năm 2017 vượt 2,3% (27,3 nghìn tỷ đồng) so với dự toán; trong đó thu nội địa tăng khoảng 2,1%; thu từ dầu thô vượt 5,2 nghìn tỷ đồng.
Tại phiên họp, làm rõ hơn về thu nội địa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau khi trừ một số khoản như thu từ xổ sổ, đất, lợi nhuận, cổ tức còn lại của doanh nghiệp nhà nước… thì mức ước thu còn lại tăng khoảng 15,7% so với ước thực hiện 2016 là cao, trong khi tổng thu 2016 chỉ tăng 10,3% so với ước thực hiện năm 2015.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh những kết quả trong lĩnh vực thanh, kiểm tra, đôn đốc thuế, thu nợ đọng thuế. Đến hết tháng 8/2017, số nợ đọng thuế là 74.127 tỷ đồng, giảm 810 tỷ đồng so với tháng 7, chiếm 8% trên tổng thu nội địa. Cùng với việc tích cực đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, năm qua ngành Thuế đã tiến hành 67.650 cuộc thanh tra, kiểm tra, thu thêm 13.419 tỷ đồng, giảm lỗ 22.130 tỷ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về chống chuyển giá và đã thực hiện rất tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, thực tế việc chống chuyển giá phải tiến hành ở nhiều khâu và cần sự vào cuộc của nhiều ngành liên quan.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, về tình hình bội chi, bội chi năm 2017 nhiều khả năng đảm bảo mục tiêu 3,5% hoặc thấp hơn và nỗ lực đảm bảo mục tiêu bội chi dưới 4% cho cả giai đoạn 5 năm và đạt dưới 3,5% vào năm 2020.
Cơ cấu chi cũng đã được điều chỉnh tăng thêm cho đầu tư, giảm chi thường xuyên. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, tỷ trọng chi thường xuyên khó giảm sâu do phải phải đảm bảo các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước cần có sự vào cuộc của từng ngành, từng cấp trong tất cả các lĩnh vực.
Giải trình về vấn đề nợ công, Bộ trưởng khẳng định, việc cơ cấu lại nợ công đang đi rất đúng hướng và hiệu quả, theo đúng chủ trương cơ cấu lại nợ công, tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài. Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ từ năm 2012 trở lại đây đã chuyển biến theo hướng kéo dài thời dài với lãi suất ưu đãi hơn.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện NSNN năm 2017, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận định, công tác điều hành tài chính - ngân sách đã thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ và quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của ngành Tài chính nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động không thuận lợi.
Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng như các ý kiến giải trình thêm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, những rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế của dù đã giảm nhưng vẫn còn. Vì vậy, cần đánh giá sát, đúng thực tế khách quan tình hình năm 2017 để đưa ra các giải pháp để thực hiện trong năm 2018.

Về dự toán chi năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý, với tinh thần không bổ sung thêm chính sách mới nhưng cũng không để nợ chính sách cũ.