Quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

PV.

Ngày 1/8/2017, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công. Trước đó, Hội thảo lấy ý kiến về dự án luật này cũng đã được tổ chức tại Bình Định (tháng 3/2017) và tại Ninh Bình (tháng 5/2017).

Tham dự Hội thảo về phía Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, có ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Về phía Bộ Tài chính có ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.
Quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia - Ảnh 1

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án quản lý nợ công.

Hội thảo còn có sự hiện diện của đại diện đến từ các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức hợp tác quốc tế Thụy Sỹ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Đại diện cơ quan quản lý nợ của Indonesia...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội, tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-6/2017) vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội thống nhất về sự cần thiết của việc ban hành Luật Quản lý nợ công thay thế cho luật năm 2009. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo luật và đánh giá quá trình chuẩn bị khá công phu, chu đáo, đảm bảo những yêu cầu của việc xây dựng, ban hành văn bản luật theo quy định.

Quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia - Ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng còn có sự khác nhau trên một số nội dung như phạm vi nợ công; Chiến lược nợ; Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công; Phạm vi và điều kiện bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại; Các biện pháp quản lý rủi ro nợ công... Với mục tiêu xây dựng, trình Quốc hội Luật Quản lý nợ công với chất lượng cao nhất, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý huy động cũng như quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, Hội thảo lần này là cơ hội để cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo trao đổi, tập hợp ý kiến và tiếp tục hoàn thiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8, 9 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp lần 4 vào tháng 10/2017.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thông qua buổi thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đã có 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu đến nội dung này. Điều này thể hiện sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, của cử tri cả nước, khi mà trong bối cảnh hiện nay, nợ công vẫn trong giới hạn an toàn, nhưng cũng gần đến mức trần Quốc hội cho phép, vấn đề nợ công đang và sẽ là một vấn đề phải quan tâm trong hoạch định chính sách tài khoá nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị hội thảo cần tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm như: Phạm vi nợ công; Điều kiện đảm bảo cho vay lại; Đầu mối quản lý nợ công; Chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công, các công cụ quản lý nợ công...
Quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia - Ảnh 3

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. 

Báo cáo rõ hơn về các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, về phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số ý kiến nhất trị quy định của Dự thảo nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần thống nhất phạm vi nợ công song cần quy định chặt chẽ hơn để giảm sát nợ DNNN tự vay, tự trả, kiểm soát nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và tăng cường quản lý đối với các khoản vay không tính vào phạm vi nợ công.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị đưa nợ công vào các khoản: Nợ ứng trước cho Ngân hàng Nhà nước; Nợ cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Phát triển; Nợ hoàn thuế VAT; Nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập...
Quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công chặt chẽ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia - Ảnh 4

Ông Jean - Luc Steylaers, đại diện Tổ chức Tiền tệ quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nợ công.

Về nguyên tắc quản lý nợ công, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về quy định không chuyển vốn vay thành vốn cấp phát. Về chỉ tiêu an toàn nợ công, một số ý kiến đề nghị bổ sung chỉ tiêu: Mức trả nợ so với thu ngân sách nhà nước; Khả năng trả nợ; Nợ nước ngoài/GDP; Nợ nước ngoài của quốc gia; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu...
Tại Hội thảo, đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cơ quan quản lý nợ của Indonesia... cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến vấn đề quản lý nợ công hiệu quả, qua đó giúp Ban soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra nghe thêm ý kiến của các chuyên gia nước ngoài về những nội dung quan trọng của dự thảo luật, đặc biệt là các nội dung còn có ý kiến khác nhau.