Công ty niêm yết mạnh tay cắt giảm chi phí
Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, ngoài việc báo cáo tình hình kinh doanh khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết (DNNY), kể cả những tập đoàn lớn đang có chung đặc điểm là phải lên kế hoạch cắt giảm chi phí hoạt động.
PVD - một điển hình khi tổng công ty đã áp dụng nhiều biện pháp trong những năm vừa qua để duy trì hoạt động. Chẳng hạn như dịch vụ mua ngoài và chi phí khác bằng tiền vốn chiếm tỷ trọng tới 47% trong tổng cơ cấu chi phí của PVD. Tuy nhiên, trong năm 2018 vừa qua, PVD đã tích cực cắt giảm các loại chi phí này, nhờ đó đến cuối năm tỷ trọng 2 loại chi phí này chỉ còn 26%. Giải pháp này, kết hợp với việc cắt giảm một phần chi phí nhân công, đã giúp tổng chi phí của công ty giảm đến 4 lần so với mức đỉnh cao năm 2014.
Bên cạnh đó, việc thay đổi thời gian khấu hao cũng là một cách thức để PVD có thể “làm đẹp” số liệu trên báo cáo tài chính cũng như tạo thêm khoảng trống để công ty nâng cao năng lực đấu thầu ở thị trường quốc tế - vốn rất cạnh tranh trong những năm gần đây.
Tương tự ở ngành bán lẻ, FPT Retail cũng đang khá bế tắc với hoạt động kinh doanh năm 2019, khi mà tình trạng ế ẩm của mặt hàng iPhone tiếp tục kéo dài. Theo nhận định của một chuyên gia về thị trường thiết bị công nghệ thông tin – truyền thông (ICT), toàn ngành này đang nỗ lực kéo dài thời gian tăng trưởng trong một thị trường bão hòa chứ không riêng gì FPT Retail. Thậm chí theo dự báo của GFK, sẽ không tăng trưởng trong năm 2019.
Điều này đặt áp lực ngày càng lớn lên các chuỗi bán lẻ vật lý như Thế giới Di động hay FPT Shop. Trong khi Thế giới Di động đang tìm cách chuyển đổi các cửa hàng Thế giới Di động sang Điện Máy Xanh và bán thêm các mặt hàng khác như đồng hồ, hàng gia dụng để duy trì tăng trưởng; thì FPT Shop đang phải xem xét lại mục tiêu mở 100 cửa hàng F.Studio trong năm 2019 của FPT Retail như một cách tính toán lại chi phí.
Có thể thấy, sự sụt giảm doanh số của iPhone không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của FPT Shop (với 1/3 doanh thu từ sản phẩm Apple) mà DN này có thể sẽ ngừng kế hoạch mở 100 cửa hàng F.Studio để chiếm lĩnh thị trường hàng Apple xách tay. Điển hình như F.Studio vẫn chỉ dậm chân ở 13 cửa hàng, tức chỉ tăng thêm có một cửa hàng kể từ đầu năm 2018.
Để duy trì tăng trưởng ngành hàng ICT, FPT Retail đang phải thực hiện sách lược là đưa các sản phẩm của FPT Shop lên các trang thương mại điện tử và ngược lại, hợp tác đưa hàng hóa (không trùng lặp) của các nhà bán lẻ khác như (Nguyễn Kim) lên bán tại trang web của FPT Shop. Đây là những chiến lược có chi phí thấp nhằm tăng lượt truy cập vào các sản phẩm của công ty.
Không riêng gì hai ngành trên, rất nhiều DNNY khác như dược phẩm, dệt may, công nghiệp… khi tổ chức đại hội cổ đông cũng đặt nặng vấn đề cắt giảm chi phí. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh 2019 khá khắc nghiệt và chi phí sản xuất chính là một trong những yếu tố quyết định lợi nhuận của các DNNY trong năm 2019.
Một lãnh đạo của PVD nói, cắt giảm chi phí trước mắt có thể làm DN mất thế cạnh tranh, nhưng đây là việc bắt buộc phải làm vì DN phải đi đường dài. Nếu không thực hiện việc cắt giảm chi phí và khấu hao tài sản ngay trong năm 2019 hệ lụy rất lớn.
Theo ước tính, điểm hòa vốn các giàn của PVD tự nâng vào khoảng 61.000 USD/ngày trước khi thay đổi chính sách khấu hao. Với giá cho thuê giàn trung bình từ 58.000 USD/ngày trong 2 năm gần đây, không khó hiểu vì sao lợi nhuận từ dịch vụ khoan của PVD luôn lỗ. Trong năm 2018, dù chi phí khấu hao đã giảm nhưng theo ước tính điểm hòa vốn các giàn tự nâng cao hơn so với năm trước.
Đối với trường hợp của PVD, theo một chuyên gia phân tích nguyên nhân có thể là các giàn hoạt động nhiều hơn ở nước ngoài, dẫn đến chi phí hoạt động tăng cao hơn so với trong nước. Cho dù năm 2019 giá cho thuê giàn bình quân đã cải thiện nhưng việc các giàn tự nâng tiếp tục hoạt động nhiều ở thị trường nước ngoài khiến chi phí mảng khoan tiếp tục cao như năm 2019, dẫn đến lợi nhuận khó có thể bứt phá mạnh. Do vậy, PVD buộc phải tiến hành chiến lược cắt giảm chi phí cũng như khấu hao nhanh để vượt khó khăn.
Đối với các ngành khác cũng vậy, việc cắt giảm chi phí trở nên cần thiết trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của nhiều ngành đang dần bão hoà. Việc thay đổi chính sách chi phí của một số DN, nếu thực hiện tốt, không chỉ đem lại hiệu quả tốt cho chính DN đó mà đối với thị trường, giá thành sản phẩm sau khi DN cắt giảm tốt chi phí cũng được điều chỉnh giảm. Đây là tin vui đối với người tiêu dùng trong cả nước…