CPI năm 2010 có kìm giữ được ở mức 1 con số?

TS.Nguyễn Đại Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Theo Tạp chí Cộng sản)

Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) ở nước ta càng về những tháng cuối năm càng tăng, đang đặt ra vấn đề phải kiểm soát như thế nào để không làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và an sinh xã hội...

Diễn biến của CPI

Chỉ số giá tiêu dùng sau 10 tháng là 7,75%, so với thời điểm 31-12-2009 và so cùng kỳ đã lên tới 9,66%, trong đó riêng tháng 10 tăng 1,05%. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê mới công bố, CPI tháng 11 tăng rất mạnh, ở mức 1,86% so với tháng 10, chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng 1,96% của tháng 2- 2010, tháng có tết Nguyên đán.

Thống kê các tháng 11 từ năm 1995 đến nay cho thấy, đây là tháng có mức tăng CPI cao nhất trong vòng 15 năm qua. Điều đáng lưu ý, “kỷ lục” kiểu này duy trì đã 3 tháng nay. So với tháng 12-2009, CPI tháng này đã tăng 9,58%, tăng 11,09% so với cùng kỳ. CPI bình quân 11 tháng tăng 8,96% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, hàng hoá các loại đều đồng loạt tăng giá, tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Đầu tiên là các mặt hàng chiến lược: xăng, dầu, điện, nước, sắt thép, phân bón… rồi đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm… mọi thứ đều tăng. Giá tăng là một áp lực lớn đối với đời sống người lao động khi thu nhập của họ không tăng theo kịp.

Như vậy những con số trên đều đưa ra chung một thông điệp: CPI chung của cả nước trong năm 2010 khó dừng ở mức 1 con số, dù đã vượt qua mức Quốc hội đã “quyết” là không quá 7% hồi đầu năm và con số đã được điều chỉnh nới lên không quá 8% theo đề xuất của Chính phủ vào tháng 4. Chỉ còn 1 tháng cuối năm song với rất nhiều nhân tố gia tăng CPI theo thông lệ và theo cả đặc thù của năm nay, nên khả năng kìm giữ được CPI cả năm ở mức 1 con số dường như rất khó khăn, có nhiều khả năng sẽ là 2 con số.

Nguyên nhân nào dẫn đến lạm phát cao?

Về nguyên lý và cả trong thực tiễn: Lạm phát cao luôn luôn phụ thuộc chính vào nhân tố tiền tệ trong mối quan hệ hàng - tiền, bởi các nhân tố về hàng hoá hay của cải bao hàm nhiều hàm lượng khách quan, còn nhân tố tiền tệ bao hàm nhiều hàm lượng chủ động hơn. Theo đó, những nguyên nhân chính gây nên tình trạng lạm phát cao trong năm nay có thể được nhận dạng một cách chưa đầy đủ, gồm:

Thứ nhất, chưa lường hết được sự bùng phát do tác động trễ của các nhân tố nới lỏng chính sách tiền tệ và nhất là chính sách tài khóa trong gần suốt cả năm 2009 để chống suy giảm kinh tế sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2007 – 2008. Việc này đã được báo động từ rất sớm, ngay từ đầu năm nay, khi nhìn lại tình trạng chỉ số ICOR trong đầu tư liên tục có xu hướng tăng mạnh từ những năm gần đây và đã lên tới trên 8 đồng vốn cho một đồng tăng trưởng. Tình trạng đô-la hóa, kể cả vàng hóa phương tiện thanh toán cũng có chiều hướng gia tăng, trong bối cảnh Mỹ liên tục áp dụng chính sách hạ giá đồng đô-la để khôi phục kinh tế càng tác động mạnh đà tăng CPI.

Thứ hai, Chính phủ huy động một khối lượng trái phiếu rất lớn với lãi suất cao gần bằng và ngang với lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại đã vô tình làm cho đồng vốn có giá tăng tăng cao, khó cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp khó hấp thụ, nhưng Chính phủ lại tăng chi tiêu và đầu tư đẩy chi phí nhiều công trình, hạng mục có đầu tư lớn của Nhà nước đều tăng. Đặc biệt là giá đền bù, giải phóng mặt bằng rất cao, vừa “giải phóng” người lao động ra khỏi tư liệu sản xuất, vừa tăng cầu tiêu dùng cho chính họ ở những vùng có dự án lớn, đã tạo ra một kênh cho tiền từ các dự án chảy vào nền kinh tế, gây hiệu ứng cung tiền cho lưu thông, tăng giá nhiều nhóm hàng hóa ăn theo phi dự án khác trên thị trường tiêu dùng.

Thứ ba, tình trạng tham nhũng theo kiểu chi thì có địa chỉ, nhưng tiêu thì không rõ và/hoặc như là tiêu “tiền chùa” của không ít cơ quan, doanh nghiệp mà Vinashin là một điển hình. Thậm chí, có vị đại biểu Quốc hội phải thốt lên rằng ngân sách chi ra “nhưng không biết tiêu kiểu gì, rằng chưa thấy một báo cáo của một tỉnh nào nói rằng tiêu kiểu gì khi ngân sách nhà nước chi cho...” cũng góp phần đẩy giá tiêu dùng lên. Đặc biệt là, giá thực phẩm, văn hóa, du lịch, học tập và gần đây là sự “nổi loạn” của giá vàng, giá đô la cộng hưởng với sự “nhảy múa” của giá thuốc tây, giá nguyên vật liệu và giá lương thực sau lũ lụt miền Trung.

Nguyên nhân thứ hai và ba đều liên quan đến hiệu quả đầu tư của nền kinh tế. Khi hiệu quả thấp, tham nhũng, lãng phí nhiều thì tiền - hàng mất cân đối lớn theo hướng đẩy lạm phát tăng cao.

Thứ tư, nhập siêu năm 2010 tuy có giảm khá về số tương đối, song về giá trị tuyệt đối vẫn khó dưới 13 tỉ USD. Còn vốn đầu tư nước ngoài thực tế giải ngân cũng khó vượt qua được con số 10 tỉ USD cả FDI, cả ODA. Đây sẽ là áp lực lớn lên dự trữ ngoại hối và tỷ giá. Mặt khác, tình trạng đô-la hóa ở Việt Nam đã kéo dài triền miên, không chỉ gây nhiễu cho chính sách tiền tệ mà còn tạo ra một kênh bơm tiền và bơm vốn một cách trực tiếp bổ sung vào M2 ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lại là cơ quan của Chính phủ, không có quyền độc lập đối với nhiều vấn đề liên quan đến tiền tệ, làm cho nó trở nên lúng túng mỗi khi có bất ổn vĩ mô, có vấn đề mất thăng bằng cán cân thanh toán tổng thể.

Thứ năm, nhiều kênh dẫn vốn vào thị trường đầu vào và “dẫn tiền” ra thị trường tiêu dùng ở đầu ra cùng với những hiệu ứng của chúng tham gia đẩy giá tiêu dùng đi lên. Đó là các kênh: Tín dụng ngoại tệ tăng rất mạnh từ những quí đầu năm đã đến kỳ đáo hạn, đầu tư của Chính phủ tăng liên tục, các khoản nợ nước ngoài đến hạn của Chính phủ, thị trường bất động sản tăng, sức ép tăng từ nhiều mặt hàng có giá độc quyền của Nhà nước, như xăng, dầu, điện, than, y tế, giáo dục... đều tăng và sẽ trong xu hướng tăng. Đây đều là những nhân tố không giống các nước xung quanh, nên dù họ cũng có rất nhiều nhân tố ngoại cảnh tương đồng song nền kinh tế của họ không bị lạm phát cao như Việt Nam.

Với xu hướng giá vàng và ngoại tệ tăng mạnh, người dân thường rút tiền đồng mua vàng, ngoại tệ với hy vọng kiếm lời chênh lệch giá, thay vì gửi tiền đồng vào các ngân hàng hoặc mua hàng hóa, dịch vụ để kích thích sức tăng trưởng kinh tế, càng làm cho điều hành tiền tệ bị động, khó lường và hiệu quả chung của nền kinh tế không cao.

Thứ sáu, tín dụng ngoại tệ và cả tín dụng vàng tăng mạnh, trong đó tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ còn “qua mặt” cả tốc độ tăng tín dụng nội tệ. Tình trạng đô la hóa và “vàng hóa” phương tiện thanh toán đã và vẫn tiếp tục gây nhiễu trong năm 2010 là nỗi ám ảnh rất lớn đến thị trường vốn và thị trường tiền tệ Việt nam. Tình trạng này cũng là nhân tố kích hoạt cho CPI năm 2010 tăng lên.

Thứ bảy, đồng tiền Việt Nam dường như ngày càng quá nhỏ bé về sức mua nếu nhìn xuyên suốt lịch sử 25 năm qua. Kể từ ngày đổi tiền lần cuối cùng (ngày 14-9-1985) đến nay, so với mệnh giá rất lớn ghi trên mặt của nó thì thấy ít quốc gia nào cho phép phát hành loại tiền mệnh giá trên 1.000 đơn vị tiền tệ, trong khi tiền của nước ta, tờ có mệnh giá lớn lên tới 500.000đ =1/2 triệu và hầu như không còn loại tờ 1.000đ trở xuống trên thị trường hàng hóa, dịch vụ. Trong khi nền kinh tế vẫn bị nhập siêu (trừ năm 1992) từ nhiều thập kỷ qua. Điều đó nghĩa là đồng nội tệ đã liên tục yếu đi so với sức mua bên ngoài mà vẫn không cải thiện được tình trạng nhập siêu. Tuy rằng, hiện cuộc chiến tiền tệ giữa các cường quốc, cũng như cuộc chiến nợ công giữa các quốc gia cũng đang gây sức ép giảm sức mua của nhiều đồng tiền, làm thu nhập thực tế của không ít nước đang bị đe dọa bởi các cỗ máy in tiền quá mức cũng là nguyên nhân đẩy lạm phát mang tính toàn cầu.

Thứ tám, chúng ta cũng không lường trước được thiên tai kinh hoàng lũ chồng lũ gây ra không ít hậu quả tại miền Trung vào tháng 9, tháng 10, tiếp tục kéo sang tháng 11 và hạn hán kéo dài hàng năm ở đồng bằng sông Hồng gây hiệu ứng đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao kỷ lục.

Thứ chín, chúng ta cũng không tính hết được những tác động cả vật chất lẫn tâm lý về sự gia tăng chi tiêu và đầu tư xung quanh và “ăn theo” Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long...

Tóm lại, chính các nhân tố trên đã góp phần tạo nên bức tranh nghịch lý: Trong lúc đồng tiền Mỹ mất giá mạnh và rất mạnh ở khắp nơi so với các đồng tiền mạnh khác như ơ-rô, Bảng Anh, Phơ-răng Thụy Sỹ (thậm chí đã “qua mặt” đồng USD) và nhất là với đồng đô-la Xin-ga-po, bạt Thái Lan, Yên Nhật... thì tại Việt Nam, USD lại lên giá rất mạnh so với đồng VND! Tốc độ tăng tỷ giá nhanh hơn cả tốc độ lạm phát sau 10 tháng, những ngày trung tuần tháng 11 này vẫn còn vượt con số 21.200VNĐ/USD so với con số này là 18.800VNĐ/USD hồi đầu năm, giá vàng cùng thời điểm này cũng vẫn ở xung quanh con số rất cao: 35- 36 triệu đồng/lượng sau khi đã giảm nhẹ từ những mức kỷ lục trên 38 triệu đồng/lượng vào đầu tháng.

Giải pháp nào để kiểm soát tốc độ tăng của CPI ?

Một trong những vấn đề trọng tâm của kinh tế vĩ mô lúc này là bảo vệ giá trị sức mua của đồng tiền nội tệ. Vậy giải pháp nào để bảo vệ giá trị sức mua đối nội và đối ngoại của đồng tiền Việt Nam? Ngoài tính chủ động, sự đề cao trách nhiệm của các lãnh đạo ngành phải được tăng cường một cách rõ ràng và cụ thể hơn; các cân đối lớn cũng cần phải “cân đong” lại; cơ cấu kinh tế và vấn đề điều hành phải đúng địa chỉ, đúng trọng tâm trong các việc chi và tiêu của Chính phủ... thì các giải pháp về quan hệ tiền – hàng, cũng như những quy luật mang tính lý thuyết cơ bản không thể không vận dụng ngay đó là:

Trước hết cần nhận diện và vận dụng các quy luật của tiền tệ: Lượng tiền nội tệ cung ứng càng lớn so với mức đã bão hòa trước đó thì tỷ giá càng tăng (đo bằng số đồng nội tệ/một đồng ngoại tệ), cũng đồng nghĩa với lạm phát càng cao; cầu về ngoại tệ càng lớn thì tỷ giá càng tăng và ngược lại, tức là lãi suất huy động ngoại tệ càng tụt thì tỷ giá cũng sẽ phải tụt theo; lãi suất nội tệ càng tăng thì ngược lại, không những tỷ giá sẽ càng tụt mà chỉ số lạm phát cũng càng giảm do giá đồng nội tệ tăng...

Từ những nguyên lý mang tính quy luật nói trên, để chống gia tăng tỷ giá lúc này cần phải có các giải pháp tương ứng để làm “xì hơi” từ từ các áp lực đang làm cho tỷ giá và lạm phát tăng. Trong đó giải pháp mạnh nhất để làm “xì hơi” có hiệu ứng rõ nhất chính là dùng ngoại tệ dự trữ để mua tiền đồng vào, đẩy ngoại tệ ra theo các địa chỉ được xem là đang có áp lực lớn nhất và thiết thực nhất. Đồng thời với việc này là hàng loạt các giải pháp khác vừa mang tính ngắn hạn như: Tăng lãi suất huy động tiền đồng, tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi; giảm mạnh lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ và vàng; cân đối lại chi và tiêu ngân sách nhà nước; tạm dừng nhập khẩu những đơn hàng không thiết yếu; đa dạng hóa cơ cấu danh mục tiền dự trữ cũng như thanh toán quốc tế; chuyển dần và tiến tới chuyển mạnh từ quan hệ tín dụng ngoại tệ giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu sang quan hệ mua bán ngoại tệ và phát triển các nghiệp vụ phái sinh để tạo các kênh bảo hiểm tỷ giá cho doanh nghiệp...;

Đến những giải pháp mang tính trung và dài hạn như: Tăng cường các biện pháp mạnh về quản lý nhà nước để chống đô-la hóa bằng luật và hệ thống hành chính một cách cương quyết theo hướng trên đất Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam đối với mọi thành phần, mọi khu vực kinh tế và xác định lộ trình để không còn tín dụng ngoại tệ trong thị trường vốn; quản lý chặt việc cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán của tất cả các nhóm ngân hàng, kể cả các ngân hàng có nhân tố nước ngoài; tiến tới khuyến khích các dòng ngoại tệ chảy vào Việt Nam chỉ đi qua thị trường ngoại hối mà không qua thị trường tín dụng; tăng cường mở chi nhánh và/hoặc mở ngân hàng 100% vốn Việt tại nước ngoài để vừa phát triển thị trường dịch vụ ngân hàng ra nước ngoài, vừa đáp ứng nhanh nhất các nhu cầu tiền đồng ngay từ ngoài biên giới lãnh thổ cho khách và kể cả cho nhà đầu tư nước ngoài vào du lịch hay làm ăn tại Việt Nam; phát triển mạnh hệ thống các doanh nghiệp phụ trợ, phải cải thiện rõ rệt cơ cấu chi phí trong giá thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu theo hướng: chi phí mua nguyên, nhiên liệu, sức lao động cũng như thiết bị máy móc do Việt Nam sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, tăng mạnh hàm lượng nội hóa giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam; hình ảnh đồng tiền Việt Nam phải ngày càng được cải thiện không chỉ về niềm tin vào sức mua ổn định, mà tiến tới cả về mệnh giá và tính độc lập được bảo vệ, được sùng bái trong công chúng.

Với những quyền hạn của mình và các số liệu sẵn có của các cơ quan quản lý nhà nước, hy vọng nếu chúng ta điều hành bằng những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, chủ động với tình hình thì có thể CPI của năm 2010 sẽ được kìm giữ ở quanh con số 10% và trong tầm nhìn xa hơn, đồng tiền Việt Nam sẽ có giá trị sức mua đối nội và đối ngoại cao hơn, tiến tới có bản vị hàm kim lượng và ngày càng tạo được niềm tin của người thụ hưởng ở trong nước và nước ngoài.