“CPI tăng thấp nhất trong 10 năm qua”

Minh Hà

(Tài chính) Đó là khẳng định của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014, chiều 28/2.

Theo Văn phòng Chính phủ, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, ổn định hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,55%, 2 tháng đầu năm 2014 tăng 1,24%.

“CPI tăng thấp nhất trong 10 năm qua không phải do cầu yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Giải thích rõ hơn lý do CPI tăng thấp trong hai tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, các chuyên gia, các thành viên Chính phủ cũng đặt vấn đề có phải do cầu thấp, sức mua thấp hay lý do khác.

 Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận cho rằng, thời gian qua, hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả phải chăng và sức mua, nhu cầu mua sắm của người dân trong thời điểm hiện nay cũng có giới hạn hơn so với trước. Nhiều ý kiến thiên về CPI tăng thấp không phải do cầu yếu.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng chiếm lĩnh thị trường; sức mua được cải thiện nhưng vẫn bảo đảm ổn định giá cả, thị trường trong và sau Tết, không xảy ra sốt giá.

Đáng chú ý, các chỉ báo kinh tế cho thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

“CPI tăng thấp nhất trong 10 năm qua” - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng ước tăng 11,6%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 3,6%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 1,61 triệu lượt, tăng 33,4%.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tính chung 2 tháng đạt hơn 20,8 tỷ USD, tăng 17%. Xuất siêu khoảng 244 triệu USD.

Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài (FDI) thực hiện tăng 6,7%; vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 5% so với cùng kỳ.

Tổng thu NSNN 2 tháng ước đạt 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ; tổng chi NSNN đạt 14,9% dự toán, tăng 4,3%.

Ngoài ra,trong 2 tháng, cả nước có gần 11 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 63 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% về số doanh nghiệp và 28,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tuy giảm so với tháng trước (chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài) nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng khá cao (15,2%); tính chung 2 tháng đầu năm tăng 5,4%.

Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đã hỗ trợ 18,6 nghìn tấn gạo cứu đói trong 2 tháng đầu năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt. Tạo việc làm khoảng  214 nghìn lao động, tăng 1,27%, trong đó xuất khẩu lao động gần 14 nghìn người, tăng 13,7%.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng thấp; tổng dư nợ tín dụng giảm.

Về kinh tế, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, FDI. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát, lãng phí.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ  đã  tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tái cơ cấu DNNN theo đề án đã được phê duyệt, trong đó tập trung đẩy mạnh cổ phần hoá, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với các DNNN.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, tình hình kinh tế trước mắt còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục quyết liệt triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP về các biện pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2014.