CPI tháng cận Tết dự báo tăng nhẹ

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Là tháng cận Tết, sức mua tăng, nhưng tháng 01/2016 cũng có một số yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá như: giá xăng dầu giảm thấp, nguồn cung hàng hoá dồi dào; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai chương trình bình ổn thị trường...

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2016 chỉ tăng nhẹ so với tháng trước. Nguồn: internet
Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2016 chỉ tăng nhẹ so với tháng trước. Nguồn: internet

Tháng 01/2016 là tháng cận Tết, các doanh nghiệp tiếp tục thu mua, tạm trữ hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chuẩn bị cho nhu cầu Tết Âm lịch; nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết tăng.

Tháng 01 cũng là tháng có thời tiết chuyển mùa lạnh nên nhu cầu tăng đối với một số mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình,... Mặt khác, trong tháng 1/2016 một số địa phương có khả năng tăng giá dịch vụ y tế sẽ tác động gây sức ép lên mặt bằng giá.

Tuy nhiên, tháng 01/2016 có một số yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá như: giá xăng dầu giảm thấp, nguồn cung hàng hoá trong nước vẫn dồi dào; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai chương trình bình ổn thị trường, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, kiểm soát vấn đề kê khai giá và niêm yết giá, các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được nhiều doanh nghiệp, địa phương thực hiện...

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2016 tăng nhẹ so với tháng trước.

Dự báo cả năm 2016, nhu cầu hàng hóa dự kiến không có nhiều biến động đáng kể. Theo IMF, giá dầu thô dự báo đứng ở mức thấp do các yếu tố dẫn đến dư cung như: sản lượng dầu đá phiến, Iran được bỏ cấm vận sẽ tăng cường xuất khẩu, OPEC không cắt giảm sản lượng để duy trì thị phần, Quốc hội Mỹ cho phép các công ty được xuất khẩu dầu...

Trong nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi ổn định. Áp lực lạm phát từ thị trường thế giới đến kinh tế trong nước không lớn, cộng với kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp và tương đối ổn định, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp năm 2015 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát năm 2016.

Ngoài ra, Hiệp định TPP được ký kết sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng nguyên nhiên liệu trong nước chịu tác động của biến động giá thế giới, trong khi giá thế giới biến động khó lường; việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với các dịch vụ y tế công lập và dịch vụ giáo dục công lập năm 2016 trong bối cảnh lạm phát mục tiêu Quốc hội cho phép dưới 5,0% đòi hỏi công tác quản lý, điều hành giá cả, thị trường, kiểm sóat lạm phát phải được thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm, nhất là thời điểm Tết nguyên đán Bính Thân 2016.

Theo đó, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu.

Cụ thể, vềgiá cước vận tải, khi giá xăng dầu giảm liên tục thời điểm tháng 7/2015 đến nay, Bộ Tài chính tiếp tục có nhiều công văn gửi Bộ GTVT, UBND, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn và bình ổn giá cả thị trường chung theo thẩm quyền quản lý trên địa bàn.

Vềgiá dịch vụ giáo dục (học phí): Ngày 02/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (có hiệu lực từ ngày 01/12/2015).

Để chủ động trong công tác điều hành học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP nêu trên và chủ động trong việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng dưới 5% trong năm 2016, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tác động của việc điều chỉnh học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP để có kế hoạch điều phối việc thực hiện giữa các địa phương nhằm hạn chế tác động đột biến đến chỉ số giá tiêu dùng chung.

Đồng thời,yêu cầu các địa phương, các bộ, cơ quan Trung ương có cơ sở giáo dục trực thuộc báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch điều chỉnh mức thu học phí hàng năm để có cơ sở điều hành phù hợp.

Về viện phí, thực hiện quy định tại khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế [16], Liên Bộ Bộ Y tế, Bộ Tài chính, đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Theo đó, ngoài 03 yếu tố chi phí trực tiếp đã kết cấu trong giá dịch vụkhám bệnh chữa bệnhhiện hành, nay tiếp tục cộng vào giá chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật (phụ cấp đặc thù) và chi phí tiền lương theo lộ trình quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Mức giá bao gồm phụ cấp đặc thù sẽ được áp dụng từ ngày 1/3/2016; mức giá bao gồm chi phí tiền lương sẽ tiếp tục được áp dụng từ Quý III/2016.

Còn giá sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công nhà nước đặt hàng: Bộ Tài chính và các địa phương đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ phương án giá trên cơ sở cơ chế, chính sách hiện hành và nguyên tắc đảm bảo tiết kiệm và không vượt dự toán được giao.