Cú hích cho tái cấu trúc ngân hàng

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Thông tư 36/2014/TT-NHNN về “Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài” mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa mới ban hành là một mũi tên trúng nhiều đích. Trong đó có lẽ đích ngắm quan trọng nhất là tạo ra một cú hích mới cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy nợ xấu đang giảm dần và nhiều ngân hàng đã giảm nợ xấu về dưới 3%. Nguồn: saigondautu.com.vn
Số liệu thống kê chính thức cho thấy nợ xấu đang giảm dần và nhiều ngân hàng đã giảm nợ xấu về dưới 3%. Nguồn: saigondautu.com.vn

Siết sở hữu chéo

Những quy định của Thông tư 36 một lần nữa siết lại tình trạng sở hữu chéo khi quy định một ngân hàng thương mại chỉ được sở hữu tối đa hai TCTD và tỷ lệ không quá 5%. NHTM cũng chỉ được sở hữu cổ phiếu TCTD khi có nợ xấu dưới 3%. Với quy định mới này thì sẽ có nhiều ngân hàng buộc phải tiếp tục thoái vốn.

Chẳng hạn như Vietcombank hiện đang sở hữu cổ phiếu tại năm TCTD nên theo quy định buộc phải thoái vốn hoàn toàn tại ít nhất ba TCTD. Không chỉ có vậy, Vietcombank còn phải giảm tỷ lệ sở hữu của mình tại MB, Eximbank, Phương Đông, Tài chính Xi măng xuống dưới 5%. Eximbank cũng sẽ buộc phải giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank xuống dưới 5%. Tương tự Maritime phải giảm tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng Phát triển Mê Kông và Ngân hàng Quân đội xuống dưới 5%.

Tình trạng sở hữu chéo đã làm cho vốn tự có của ngân hàng được thổi phồng lên. Điều này gây rủi ro nhất định cho hệ thống ngân hàng khi hệ số an toàn vốn của hệ thống ngân hàng thực tế nhỏ hơn con số báo cáo. Bên cạnh đó, sở hữu chéo dẫn đến hệ quả là những cổ đông lớn cũng thường chi phối hoạt động của nhiều ngân hàng.

Ngoài ra, việc siết lại hoạt động cấp tín dụng cho công ty con, công ty liên kết của ngân hàng và tín dụng cho đầu tư chứng khoán cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc. Trước đây, việc thoái vốn khỏi ngân hàng cũng đã diễn ra khá mạnh tuy nhiên nhiều đánh giá cho rằng trên thực tế việc thoái vốn này chỉ mang tính “kỹ thuật”.

Tức là, cổ phiếu được bán lòng vòng trong những doanh nghiệp không có quan hệ chính thức nhưng thực tế vẫn chịu sự chi phối của một nhóm cổ đông nhất định. Với quy định Thông tư 36 tình trạng này sẽ bị hạn chế khá nhiều bởi việc cấp tín dụng sẽ khắt khe hơn và việc xác định “người có liên quan” cũng trở nên chặt chẽ hơn.

Thúc đẩy xử lý nợ xấu

Số liệu thống kê chính thức cho thấy nợ xấu đang giảm dần và nhiều ngân hàng đã giảm nợ xấu về dưới 3%. Tuy nhiên, thực trạng được thừa nhận một cách rộng rãi là con số nợ xấu vẫn rất cao và việc xử lý nợ xấu được xem là một trong những vấn đề trọng tâm trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Với quy định chỉ những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được sở hữu cổ phiếu TCTD khác, ngân hàng đứng trước lựa chọn phải thoái vốn hoàn toàn khỏi TCTD hoặc giảm tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3%. Tuy nhiên, việc thoái vốn hoàn toàn cũng không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh không ít ngân hàng đang gặp khó khăn. Còn đối với xử lý nợ xấu thì cách dễ nhất là bán bớt nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoặc thúc đẩy việc xử lý tài sản đảm bảo.

Mặt khác, không ít khoản nợ xấu là từ những công ty sân sau của những cổ đông lớn ngân hàng. Trước đây, việc “cắt lỗ” rất khó tự nguyện nhưng khi bị “dồn vào chân tường” thì những ông chủ này sẽ phải thực hiện.

Xử lý nợ xấu còn bị thúc đẩy bởi quy định tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay đầu tư chứng khoán. Tác động lớn nhất của quy định này không phải đối với hoạt động cho vay ký quỹ trên sàn chứng khoán vì phần lớn vốn cho vay ký quỹ là vốn tự có của các công ty chứng khoán, mà chính là đối với những ngân hàng có hoạt động cầm cố cổ phiếu để cho vay đầu tư chứng khoán, góp vốn.

Trước đây, nhiều ông chủ của các ngân hàng thường tăng thế lực tài chính của mình bằng đòn bẩy tài chính. Cách làm quen thuộc là cầm cố cổ phiếu rồi đi vay tiền để góp vốn, tăng vốn điều lệ hoặc mua cổ phiếu ngân hàng, doanh nghiệp khác.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy hiện có trên 15 trong số 37 ngân hàng có nợ xấu trên 3%. Trong số này có không ít ngân hàng có dư nợ tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán không nhỏ. Do đó, để không phải rút hoàn toàn khỏi hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán thì những ngân hàng này buộc phải giảm tỷ lệ nợ xấu.