Cụ thể hóa mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu
Ngày 03/8/2017, Thủ tướng Chinh phủ vừa ban hành Quyết định số 1137/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Quyết định của Chính phủ đã cụ thể hóa mục tiêu thực hiện như sau:
Thứ nhất, đến năm 2020 phải nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu. Giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016-2020.
Đồng thời, ít nhất mỗi năm có khoảng 100 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 200 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia. Định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên phụ liệu và linh phụ kiện cho các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một số khâu có giá trị gia tăng cao. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 12 bậc so với năm 2015. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2015.
Thứ hai, đến năm 2030, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng sẽ có lợi thế xuất khẩu. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 9% -10%/năm thời kỳ 2021-2030. Mỗi năm có ít nhất 200 lượt doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 400 lượt doanh nghiệp đạt giải chất lượng quốc gia.
Hình thành các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, làm nòng cốt cho các nhóm mặt hàng xuất khẩu. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng ít nhất 20 bậc so với năm 2015. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tăng ít nhất 25 bậc so với năm 2015.
Tại Quyết định, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung của Đề án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đồng thời, nghiên cứu chính sách, triển khai có hiệu quả bảo hiểm nông nghiệp. Đẩy mạnh đơn giản hóa và điện tử hóa các thủ tục về thuế và hải quan cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính nghiên cứu đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định hợp tác trong lĩnh vực hải quan với các đối tác thương mại quan trọng nhằm tạo thuận lợi và đảm bảo lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường này.
Xây dựng chính sách tạo thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.