Của để dành ngày một giảm
(Tài chính) Đáng tiếc là hầu như không có hoặc rất ít người sử dụng số liệu về GNI (tổng thu nhập quốc gia) trong khi chỉ tiêu này phản ánh đúng và thực chất hơn giá trị mà đất nước được hưởng – nhóm tác giả Bùi Trinh, Nguyễn Việt Phong, Bình Phan nhận xét trong báo cáo có tựa đề Khả năng phục hồi kinh tế: Cơ hội và thách thức. Cũng theo nhóm tác giả này, tỷ lệ tiết kiệm từ nền kinh tế giảm nhanh, đặc biệt từ năm 2006 đến nay.
![]() |
Nhóm nghiên cứu nêu ví dụ làm rõ hơn ý nghĩa của GDP và GNI, và cũng để nhấn mạnh, GNI mới là chỉ tiêu phản ánh thực chất hơn về nền kinh tế. Các số liệu cho thấy, GNI theo giá thực tế năm 2012 so với năm 2000 chỉ tăng 6 lần, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 2,15 lần. Xét theo 2 giai đoạn 2000 – 2006 và 2007 – 2012 thì GDP và GNI tăng bình quân tương ứng là 7,5% - 7,4%; và 5,9% - 5,3%. Điều này cho thấy độ doãng giữa tốc độ tăng trưởng GDP và GNI ngày càng lớn, cũng có nghĩa, luồng tiền ra ngày càng lớn và tổng thu nhập quốc gia ngày càng nhỏ so với GDP, nhóm nghiên cứu nhận định.
Tình hình từ năm 2011 đến nay, khi mấy động cơ nội của nền kinh tế suy trầm, chỉ có một động cơ ngoại (khu vực có vốn đầu tư nước ngoài – FDI – cả trực tiếp và gián tiếp) chạy tốt tuy có làm cho chỉ tiêu "phù phiếm" GDP được hưởng lợi trong tăng trưởng nhưng nguồn lực của quốc gia ngày càng suy kiệt. Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, có thể nhận thấy tuy không hoàn toàn do khu vực FDI nhưng rõ ràng khu vực có vốn đầu tư trực tiếp góp phần quan trọng làm luồng tiền đi ra khỏi đất nước ngày một lớn.
Theo tác giả Bùi Trinh, nếu năm 2000 phía Việt Nam phải chi trả cho nước ngoài 6.300 tỷ đồng thì đến năm 2009 phần phải chi trả sở hữu cho nước ngoài lên đến gần 91.000 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền vay và doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Điều này cho thấy ngoài việc thâm hụt thương mại kinh niên thì việc chi trả sở hữu ra nước ngoài cũng đáng báo động không kém. Phải chăng đây là hậu quả của việc kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách quá thoải mái và không có định hướng?
Ngoài ra, cũng do quá chú trọng đến chỉ tiêu GDP mà quên mất rằng cái nước ta được hưởng sau cùng là GNI. Cùng với việc thâm hụt thương mại cao, đây là một lý do cơ bản khiến đồng tiền Việt Nam ngày càng mất giá và điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP rất ít ý nghĩa trong việc phản ánh tình trạng thực sự của nền kinh tế.
Tốc độ chi trả sở hữu ra nước ngoài tăng bình quân hàng năm khoảng 34% (còn GDP tăng bình quân 7,3%), tức tiền trả cho nhà đầu tư nước ngoài tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP nhiều lần, dẫn đến chênh lệch giữa GDP và GNI ngày càng lớn là chuyện không thể tránh khỏi. Cũng do GNI ngày càng nhỏ hơn GDP mà tỷ lệ tiết kiệm (nguồn cơ bản để đầu tư) từ nền kinh tế giảm xuống một cách nhanh chóng, đặc biệt từ năm 2006 đến nay, từ 36% xuống còn 29%, báo cáo cho biết.
Nhưng, đáng lo hơn, tỷ lệ đầu tư trên GDP lại giảm không đáng kể và vẫn duy trì tình trạng dàn trải, không hiểu quả, không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội và nâng cao đời sống người dân. “Điều này cho thấy, không thể nói chung chung giảm tăng trưởng để ổn định vĩ mô mà cần xác định ổn định vĩ mô là ổn định cái gì?”, báo cáo viết.
Để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế, nhóm tác giả khuyến nghị: điều cốt lõi trong thời điểm này là chúng ta phải xác định xây dựng một nền kinh tế phát triển theo hướng độc lập và tự chủ. Theo đó, nâng cao yếu tố nội lực là ưu tiên hàng đầu, bảo đảm lợi nhuận của doanh nghiệp và nhất thiết phải bảo vệ lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang bế tắc, số lượng doanh nghiệp làm ăn sa sút, chết và chờ chết nhiều chưa từng có như hiện nay thì việc nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế vẫn là xu hướng tích cực để tạo công ăn việc làm, để xã hội bớt khó khăn hơn. Song, về lâu dài, phải có những ràng buộc với khu vực kinh tế FDI để hạn chế luồng tiền chảy ra ngoài ngày càng nhiều hơn. Chỉ như vậy, của để dành – GNI, mới tăng lên, đất nước và người dân mới đỡ thiệt thòi.