Cục Thuế Phú Thọ thu ngân sách đạt 135,3% dự toán
Năm 2023, mặc dù triển khai nhiệm vụ công tác thuế trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Cục Thuế Phú Thọ đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu. Nhờ đó, đơn vị này đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao.
Thu ngân sách đạt 135,3% dự toán
Theo báo cáo của Cục Thuế Phú Thọ, kết quả thu NSNN do Cục Thuế thực hiện trong năm 2023 ước đạt 7.726 tỷ đồng, bằng 135,3% dự toán Bộ Tài chính, HĐND Tỉnh giao; bằng 128,9% so với dự toán phấn đấu. Tất cả các đơn vị trực thuộc được giao dự toán thu NSNN đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao.
Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, Cục Thuế Phú Thọ đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý thu NSNN, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời, đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân... Cục Thuế cũng tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý thuế, góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng...
Cùng với việc thực hiện hiệu quả cao các biện pháp thu NSNN, các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 cũng được Cục Thuế Phú Thọ đạt kết quả tích cực. Trong đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) được đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức, góp phần giúp NNT nắm bắt đầy đủ và thực hiện đúng chính sách, pháp luật về thuế.
Công tác quản lý kê khai, kế toán thuế và kiểm soát hoàn thuế được chú trọng, giúp NNT khai đúng, khai đủ và nộp các thủ tục hồ sơ, nộp thuế và hoàn thuế kịp thời, đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN được tăng cường, và nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, góp phần chống thất thu và tăng thu NSNN…
Cục Thuế đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý thuế; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai áp dụng hiệu quả hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền đến các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh; tiếp tục duy trì, xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh triển khai hệ thống khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn tỉnh…
Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế
Bước sang năm 2024, công tác thu ngân sách dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Cục Thuế Phú Thọ sẽ triển khai thực hiện ngay từ đầu năm các giải pháp trọng tâm. Theo đó, các đơn vị tập trung khai thác, mở rộng nguồn thu, tăng cường đôn đốc thu nộp để bù đắp các nguồn thu dự kiến thiếu hụt trong thời gian tới do giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác.
Cục Thuế Phú Thọ cũng sẽ quản lý chặt chẽ các đối tượng thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu nộp ngân sách; đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu và có các giải pháp quản lý thu hiệu quả. Tiếp tục đề xuất và thực hiện các giải pháp chống thất thu NSNN đối với hộ kinh doanh, quản lý thuế các dự án đầu trên địa bàn Tỉnh; quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, trong đó có khai thác đất san lấp; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hoạt động kinh doanh phi truyền thống (thương mại điện tử; kinh doanh dịch vụ trên nền tảng công nghệ…).
Các đơn vị thuộc Cục Thuế Phú Thọ cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách thuế mới, kết quả hoạt động của toàn Ngành qua các kênh thông tin đại chúng; đổi mới cách thức truyền thông theo xu thế tiếp cận thông tin hiện đại, hỗ trợ qua các app điện tử: Fanpage, kênh Youtube và tài khoản Zalo tiếp cận nhanh với NNT.
Cùng với đó, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tập trung triển khai nhanh, kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp.
Năm 2024, Cục Thuế Phú Thọ sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy trình nghiệp vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế; xử lý kịp thời, đúng quy định các trường hợp thuộc nhóm nợ chờ xử lý, chờ điều chỉnh; tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối NNT, bao gồm cả hộ kinh doanh.
Các đơn vị tiếp tục hướng dẫn NNT kê khai thuế, nộp tờ khai đúng hạn quy định, đồng thời tăng cường kiểm tra rà soát theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt việc kê khai, nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế đúng hạn, xử lý nghiêm các trường hợp không kê khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế chậm theo quy định của Luật Quản lý thuế; chú trọng quản lý thuế hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Đặc biệt, các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện lực; doanh nghiệp phát sinh chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án; các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù; doanh nghiệp, tổ chức tài chính ngân hàng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu, gia công cho thương nhân nước ngoài; doanh nghiệp chế xuất.
Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và chống thất thu hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Cục Thuế cũng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế trên các lĩnh vực, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như: quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; thực hiện phân tích rủi ro; quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử; quản lý hóa đơn điện tử, tiếp tục điện tử hóa đối với công tác quản lý lệ phí trước bạ, các loại phí, lệ phí... Đồng thời, tăng cường triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử đến cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế.