Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử
Theo ông Nguyễn Công Tùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, việc sử dụng hoá đơn điện tử là xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số, góp phần thay đổi phương thức quản lý thuế ngày càng hiện đại, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cơ quan thuế và xã hội.
Theo quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 01/7/2022, hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực, thay vào đó sẽ áp dụng hóa đơn điện tử kể đối với toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh (trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo quy định); đồng thời, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng trước ngày 01/07/2022.
Đại diện lãnh đạo Cục Thuế Đắk Lắk cho biết, việc triển khóa đơn điện tử là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đây là một trong các điều kiện thuận lợi hình thành nền kinh tế số, thay đổi phương thức quản lý thuế ngày càng hiện đại; tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội và cơ quan Thuế...
Theo ông Nguyễn Công Tùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, việc sử dụng hoá đơn điện tử là xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số, góp phần thay đổi phương thức quản lý thuế ngày càng hiện đại, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cơ quan thuế và xã hội; góp phần khắc phục tình trạng gian lận, làm giả, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế.
Để áp dụng hóa đơn điện tử trên diện rộng, ngành Thuế tỉnh Đắk Lắk đã chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu; đẩy mạnh công tác tập huấn cho công chức thuế và người nộp thuế; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế; chủ động và tích cực phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ hóa đơn điện tử...
Tuy nhiên, để việc triển khai hóa đơn điện tử được nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, không chỉ có sự nỗ lực của ngành Thuế địa phương mà còn cần có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành có liên quan, cùng với sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.
Đại diện lãnh đạo Cục Thuế Đắk Lắk cũng khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp nên có sự chủ động chuẩn bị về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử uy tín đã được Tổng cục Thuế công nhận để tạo sự an tâm và thuận lợi nhất, đồng thời nên áp dụng trước thời điểm ngày 1/7/2022, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, dẫn đến bị động, công việc bị gián đoạn.
Lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử
Đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ:
Hóa đơn điện tử giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn do người bán cung cấp; doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy, khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy; tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ, bởi sau khi nhận hóa đơn điện tử, nguời mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin về hóa đơn người bán gửi cơ quan thuế.
Đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
Việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ sẽ giúp họ tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế; giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn; tiết kiệm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn.
Đối với xã hội:
Hóa đơn điện tử góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.