Cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường chuỗi cà phê Việt Nam
Sự xuất hiện của %Arabica, chuỗi cà phê nổi tiếng của Nhật Bản với cửa hàng đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thị trường chuỗi cà phê ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Mặt khác, là sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu quốc tế lẫn nội địa.
Thương hiệu cà phê Nhật vào thị trường TP. Hồ Chí Minh
Mới đây, truyền thông quốc tế thông tin, chuỗi cà phê đến từ Nhật Bản %Arabica sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh với sự hợp tác của công ty đầu tư The Kho Group có trụ sở tại Hồng Kông.
Inside Retail dẫn lời Vynce Nguyen, GM của The Kho Group, cho biết, %Arabica đã khảo sát địa điểm và lựa chọn tòa chung cư "căn hộ Café" (số 42 Nguyễn Huệ) từ 3 năm trước. Đến hiện tại, các bước trang bị đã hoàn thành và dự kiến cửa hàng sẽ được khai trương từ tuần tới.
Quán cà phê rộng 100m2, được thiết kế bởi studio sáng tạo đến từ Pháp Cigue, kết hợp phương pháp thiết kế đơn giản và sạch sẽ đã làm nên thương hiệu, xen lẫn các yếu tố kiến trúc địa phương.
"Địa điểm là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với % Arabica khi mở ở các khu vực mới", Vynce Nguyen, nói với Inside Retail và cho biết thêm, %Arabica hy vọng sẽ mang đến cho khách hàng trải nghiệm cà phê mới tại một thị trường vốn đã nổi tiếng với văn hóa uống cà phê.
"Về cơ bản, thực đơn và các sản phẩm tại Việt Nam không khác gì các sản phẩm chúng tôi đã làm tại thị trường quốc tế. Chúng tôi tự hỏi liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho một thương hiệu nước ngoài khác gia nhập thị trường hay chưa. Nhưng chúng tôi tin vào thương hiệu và chất lượng của cà phê", Nguyen khẳng định.
Ngoài ra, đại diện của %Arabica cho biết, cửa hàng thứ 2 ở TP. Hồ Chí Minh cũng đang được gấp rút xây dựng tại Diamond Plaza (quận 1), cách phố đi bộ không xa. Sau cửa hàng này, chuỗi cà phê nổi tiếng Nhật Bản sẽ tiến hành mở rộng sự hiện diện của mình tại nhiều thành phố khác ở Việt Nam như Hà Nội, Hội An, Phú Quốc.
Được thành lập bởi Kenneth Shoji, %Arabica là chuỗi cà phê nổi tiếng tại Kyoto, Nhật Bản. Được thành lập bởi ông Kenneth Shoji vào năm 2014. Hiện, chuỗi này có tới 141 cửa hàng trên 20 quốc gia. Các quốc gia mà %Arabica có mặt trải dài từ châu Á tới châu Âu và Mỹ. Trung Quốc là thị trường có nhiều cửa hàng của %Arabica nhất với 73 cửa hàng, tiếp sau là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait.
"Cuộc chiến" chuỗi cà phê
Nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh Allegra World Coffee Portal từng dự báo các chuỗi cà phê Việt Nam sẽ có tổng cộng khoảng 5.200 cửa hàng vào 2025.
Sự xuất hiện của %Arabica khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam nóng hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu quốc tế lẫn nội địa.
Trước %Arabica không lâu, thương hiệu cà phê Thái Lan Café Amazon dù đã mở khoảng 20 cửa hàng tại Việt Nam nhưng vẫn thừa nhận vừa làm vừa tìm hiểu vì thị trường Việt Nam rất đặc thù.
Nên nhớ, Café Amazon được xem là chuỗi cà phê có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Sau hơn 20 năm hình thành, thương hiệu này sở hữu trên 4.000 cửa hàng tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Trong đó có hơn 3.400 cửa hàng tại sân nhà Thái Lan, theo thống kê của Nikkei Asia vào năm 2021.
Vì vậy, con số xấp xỉ 20 cửa hàng sau 3 năm có mặt ở Việt Nam của chuỗi này là khá khiêm tốn. Tại Việt Nam, Café Amazon được nhượng quyền độc quyền cho ORCG, liên doanh giữa Central Group (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Go!) và Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT). Trong đó, trong đó PTT thông qua PTTOR (công ty con chuyên về mảng xăng dầu và bán lẻ) chiếm 60% cổ phần, 40% còn lại thuộc sở hữu của Central Group. Liên doanh này đã rót 3,5 triệu USD để làm chuối Café Amazon tại Việt Nam, nhưng đến hiện tại, kết quả không mấy khả quan.
Đại dịch là lý do chính dẫn đến tăng trưởng không đáng kể tại thị trường trăm triệu dân của thương hiệu này. Nhưng một lý do lớn hơn được chỉ ra, là sự khốc liệt trong cạnh tranh chuỗi cà phê Việt Nam khi các ông lớn nội địa đang áp đảo với hàng trăm thương hiệu và hàng ngàn cửa hàng, các thể loại, từ cửa hàng flagship đến kiosk, pop-up…
Đơn cử như Phúc Long, thương hiệu từng khiến Masan, một "ông trùm" bán lẻ tiêu tốn hàng trăm triệu USD để giành quyền chi phối này đang sở hữu trên 100 cửa hàng flagship với 44 cửa hàng được mở mới trong nửa cuối năm 2022. Đó là chưa kể đến hàng chục kiosk mang tên thương hiệu này đã bị đóng cửa bớt do biên lợi nhuận không như mong đợi.
Báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2022, Masan cho biết Phúc Long đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu, thay vì kế hoạch 2.500-3.000 tỷ đồng đề ra. Đáng nói, phần lớn kết quả đến từ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả, với doanh thu 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA.
Chính Phúc Long, Highland Coffee, Trung Nguyên Legend… những thương hiệu nội địa phủ bóng thị trường Việt còn vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt huống hồ những thương hiệu nước ngoài, lại là thương hiệu mới. Nên nhớ, thị trường chuỗi cà phê trăm triệu dân còn rất nhiều các thương hiệu lớn nhỏ như Saigon Casa (của NVL F&B), Guta, The Coffee House, Laha Coffee, Gờ Cafe… đáp ứng mọi nhu cầu từng phân khúc với nhiều mặt bằng giá khác nhau.
Đáng lưu ý, thị trường này cũng từng tiễn đưa rất nhiều tên tuổi ngoại quốc như NYDC - New York Dessert Café, Gloria Jean's Coffees, Espressamente Illy... vì kinh doanh không hiệu quả.
Vì vậy, dù làn gió mới mang tên %Arabica đang được đón nhận, nhưng sự hiệu quả và tham vọng của thương hiệu này có tồn tại được lâu dài tại thị trường Việt Nam hay không, còn là một câu chuyện dài hơi sẽ được kiểm chứng trong tương lai.