Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Bắc Kinh lùi bước?
Trung Quốc mới đây đã có động thái nhượng bộ đáng kể nhằm giảm căng thẳng thương mại với Mỹ, khi điều chỉnh chiến lược “Made in China 2025”, kế hoạch nhằm đưa Trung Quốc lên vị trí số 1 trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Giới quan sát nhìn nhận, động thái này làm dấy lên hy vọng Bắc Kinh - Washington có thể đạt được thỏa thuận lớn hơn nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhượng bộ lớn
Báo Wall Street Journal (Mỹ) cho biết, Chính phủ Trung Quốc chuẩn bị thay thế chiến lược Made in China 2025 bằng chiến lược kinh tế mới, trong đó, giảm bớt tham vọng của Bắc Kinh nhằm thống trị các lĩnh vực chủ chốt trong vài năm tới. Cụ thể, trong bản hướng dẫn mới nhất về kế hoạch kinh tế của Quốc vụ viện Trung Quốc, được đăng trên trang mạng của Chính phủ vào đầu tuần, Bắc Kinh đã bỏ cụm từ “Made in China 2025”.
Thay vào đó, bản hướng dẫn nêu, “các chính quyền địa phương đã nhìn thấy kết quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cấp công nghiệp ổn định sẽ được ưu tiên hỗ trợ”. Trước đó, bản hướng dẫn của Quốc vụ viện Trung Quốc năm 2016 ghi, “các chính quyền địa phương thúc đẩy và triển khai chiến lược Made in 2025 trong khi khuyến khích tăng trưởng công nghiệp và nâng cấp lĩnh vực sản xuất sẽ được ưu tiên hỗ trợ”.
Cũng trong bản hướng dẫn mới, Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi thứ tự ưu tiên theo hướng cởi mở hơn với các công ty nước ngoài tham gia thị trường nội địa, tạo sân chơi công bằng hơn giữa các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nước ngoài; tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và chống ô nhiễm nguồn nước và giảm dần nỗ lực khắc phục tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong các ngành than, thép.
Chiến lược mới của Bắc Kinh cũng loại bỏ các mục tiêu về thị phần đối với linh kiện sản xuất trong nước của một số công nghệ nhất định. Báo Wall Street Journal cho hay, chiến lược mới sẽ được triển khai vào đầu năm tới.
Mặc dù chưa rõ mức độ sâu rộng của những thay đổi trên, song động thái của Bắc Kinh sẽ làm hài lòng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi đáp ứng các yêu cầu về thực hiện một số cải cách kinh tế căn bản. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục thảo luận nhằm giải quyết bất đồng thương mại giữa hai bên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí về thỏa thuận đình chiến thương mại tại cuộc gặp thượng đỉnh song phương ở Argentina hồi đầu tháng.
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 11/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng tái khẳng định, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu các mặt hàng năng lượng và nông sản từ Mỹ, trong đó có đậu nành, cũng như giảm thuế suất áp lên ô tô nhập khẩu từ Mỹ, vốn tăng từ 15% lên 40% vào tháng 7 vừa qua. Giới quan sát cho rằng, trong thời gian tới, rất có Bắc Kinh - Washington sẽ đạt được thỏa thuận lớn hơn nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chiến thắng biểu tượng
Chiến lược Made in China 2025 là sáng kiến đầy tham vọng được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Quốc vụ viện Trung Quốc công bố vào tháng 5.2015, nhằm nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc. Đây được coi là lộ trình nhằm giúp Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ khác trên thế giới và vươn lên nắm thế số 1 toàn cầu trong các lĩnh vực chủ chốt như công nghệ và sản xuất.
Chiến lược này xác định 10 nhóm ngành ưu tiên mà Trung Quốc muốn thống lĩnh toàn cầu trong thế kỷ này, bao gồm: Robot, công nghệ thông tin, phần mềm thế hệ mới, chất bán dẫn, công nghệ sinh học, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới, hàng không vũ trụ, vận tải cao cấp, thiết bị đường sắt tiên tiến, máy móc nông nghiệp. Với chiến lược này, Bắc Kinh mong muốn các doanh nghiệp nội địa sẽ làm chủ công nghệ khi có thể tự sản xuất từ 60 - 80% linh kiện lắp ráp; hướng tới khả năng độc lập, giảm phụ thuộc về công nghệ của nước khác.
Đáng chú ý, trong 10 chính sách khuyến khích triển khai chiến lược Made in China 2025 có 7 chính sách biệt đãi đối với doanh nghiệp Trung Quốc và 3 chính sách yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ nếu tham gia thị trường nội địa. Ngoài ra, năm 2017, Trung Quốc còn công bố chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo, với tham vọng trở thành trung tâm cải tiến về trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Tham vọng của Trung Quốc trong việc thống trị các lĩnh vực chủ chốt toàn cầu không chỉ khiến nhiều quốc gia khác lo lắng, mà còn là cái gai trong mắt Tổng thống Donald Trump, cản bước đường của Mỹ trên hành trình “vĩ đại trở lại”. Theo các chuyên gia, mặc dù viện dẫn lý do nhằm giảm thặng dư thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, nhưng thực chất mục tiêu chính của Tổng thống Trump khi khơi mào cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc là chiến lược Made in China 2025.
Các công ty của Mỹ từ lâu cũng đã phàn nàn về việc Trung Quốc sử dụng một loạt chiến thuật nhằm buộc những công ty này chuyển giao sở hữu trí tuệ như kiểu dáng công nghiệp và bằng sáng chế; cáo buộc các công ty Trung Quốc có hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Mỹ.
Thêm vào đó, các công ty của Mỹ cũng lo ngại không thể cạnh tranh được với các đối thủ Trung Quốc trong ngành sản xuất tiên tiến, do các công ty Trung Quốc được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư và trợ cấp lớn của nhà nước. Báo cáo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer công bố vào tháng 11 vừa qua cũng nhắc lại cảnh báo về thách thức từ chiến lược Made in China 2025.
Do đó, điều chỉnh chiến lược Made in China 2025 là sự nhượng bộ lớn của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Mỹ suốt 9 tháng qua. Đây có thể coi như chiến thắng mang tính biểu tượng đối với ông Trump, người vốn chỉ trích mạnh mẽ chiến lược Made in China 2025. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng, việc Trung Quốc điều chỉnh chiến lược Made in China 2025 không có nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ từ bỏ chiến lược này.